Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

DNNN phải “rành” công nghệ

Tạp Chí Giáo Dục

Công nghệ thông tin không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi DNNN mà còn giúp việc quản lý điều hành vĩ mô của TP.HCM hiệu quả hơn.
Ngày 20-12, tại hội nghị giao nhiệm vụ xây dựng doanh nghiệp điện tử cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết muốn tái cơ cấu DNNN thì trước hết các DN này phải biết ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý lẫn sản xuất và kinh doanh.
Lợi ích đo lường được
Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn CNTT PAT, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Tin học TP.HCM, phân tích nếu DNNN ứng dụng CNTT sẽ đạt được nhiều lợi ích. Cụ thể sẽ giảm lượng hàng tồn kho nguyên vật liệu, đồng thời giảm vòng quay thu hồi công nợ và giảm chi phí giấy tờ. Bên cạnh đó sẽ giảm chi phí điều hànhnhờ giảm thời gian xử lý công việc trong nội bộ từng phòng ban, nhất là khai thác trên môi trường Internet. Đồng thời nhờ công nghệ, DN sẽ quyết định nhanh chóng, đúng nhờ dữ liệu được cung cấp kịp thời, chính xác. Tăng cơ hội hợp tác quốc tế do quy trình quản lý phù hợp với đối tác theo các chuẩn mực quốc tế.
Ông Tuấn đưa ra ví dụ nếu áp dụng hệ thống quản lý thông tin giúp DN giảm vòng quay ngày thu hồi công nợ ba ngày/tháng, với lãi suất tiền gửi hiện nay 7% thì DN có doanh thu 100 tỉ đồng/năm sẽ tiết kiệm hơn 230 triệu đồng. Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) với doanh thu 7.700 tỉ đồng/năm, sẽ tiết kiệm hơn 16 tỉ đồng/năm.

“Các tổng giám đốc DNNN phải quan tâm đến CNTT thì việc xây dựng DN điện tử mới hiệu quả” – ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: QH
Ông Tăng Nái Tòng, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC, chia sẻ DN chỉ đầu tư vào hóa đơn điện tử thì mỗi năm đã tiết kiệm được 10 tỉ đồng. DN đang thực hiện áp dụng CNTT vào vận hành kỹ thuật quản lý hệ thống lưới điện góp phần giảm chi phí giá thành. Ở Nhật họ áp dụng việc này và giảm được hơn 30% chi phí giá thành. Hiện tại DN đang thực hiện tốt việc thu tiền điện ở mọi nơi như ngân hàng, bưu điện, hệ thống bán lẻ… giúp việc thu hồi nợ nhanh và tạo thuận tiện cho khách hàng. “Ngoài ra, DN còn thực hiện nhiều kênh giao tiếp với khách hàng qua tổng đài và trang tin điện tử vừa thông báo lịch cúp điện, thông tin các dịch vụ dễ dàng, vừa tiếp nhận được những thông tin cảnh báo về mất an toàn điện, mất điện kịp thời xử lý… Trở thành DN điện tử giúp người lãnh đạo có thể quản lý chỉ đạo sát sao, nắm được thông tin minh bạch của các công ty con” – ông Tòng chia sẻ.
Đại diện Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cũng cho hay DN đã bắt đầu áp dụng CNTT nhưng mới chỉ dừng ở việc quản lý nhân sự, thông tin. Việc quản trị hoạt động hằng ngày các DN thành viên thuận lợi hơn, chỉ đạo, giao việc nhanh chóng kịp thời hơn.
Chế tài DNNN thực hiện kém
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Trong thời gian qua việc xây dựng DN điện tử trong DNNN vẫn mang tiếng chậm, thông tin không minh bạch. Ngay cả lương, thưởng, quản lý nhân viên mà các lãnh đạo còn không nắm được. Không thể có minh bạch nếu không có CNTT. Các DNNN nói là chịu sự chỉ đạo của UBND TP nhưng thật ra chỉ quản lý qua các báo cáo, số liệu từ các DNNN gửi lên. Nhiều khi TP cũng chẳng biết các vị có khai đúng hay không, hay con số đã được xào, nấu. Nếu tất cả DNNN đều xây dựng thành những DN điện tử thì việc quản lý sẽ công khai, minh bạch hơn. Các DNNN sẽ tạo thành một hệ thống thông suốt như một tập đoàn, khi đó TP mới thực sự quản lý được”.
Theo ông Hà, việc triển khai DN điện tử trong DNNN nhanh hay chậm, hiệu quả hay hình thức là do người lãnh đạo DN đó. Các tổng giám đốc các DNNN phải thay đổi nhận thức về CNTT, phải quan tâm đến đầu tư CNTT và cũng tham gia vào quản lý thì mới thu được hiệu quả. “TP sẽ hỗ trợ kinh phí, cùng phối hợp với Sở TT&TT TP, mời các chuyên gia tư vấn đẩy nhanh việc thực hiện ứng dụng CNTT trong các DNNN. Sẽ có chấm điểm, khen thưởng những DN làm tốt và chế tài đối với những DN chậm thực hiện, làm yếu kém”.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết Sở đã mời hơn 30 chuyên gia CNTT trong nước và từ một số DN nước ngoài tham gia góp ý và tư vấn việc xây dựng DN điện tử trong DNNN. Sở sẽ trình đề án ứng dụng CNTT trong các DNNN để TP phê duyệt ngay trong tháng 1-2014 và triển khai thực hiện trong năm 2014.
Coi trọng an ninh thông tin
Thực hiện chương trình DN điện tử trong DNNN cần phải coi trọng vấn đề bảo mật, an ninh thông tin là vấn đề hệ trọng. Chương trình phải có những chiến lược bảo vệ an toàn nhất đối với thông tin dữ liệu quan trọng của DNNN và TP. Việc đầu tư hạ tầng CNTT trong DNNN đến đâu triển khai đến đó, triển khai một cách đồng bộ để tránh lãng phí.
Ông LÊ MẠNH HÀ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
QUANG HUY (PLO)

Bình luận (0)