Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đồ ăn, nước uống: Bao giờ vệ sinh, an toàn?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học đều do thức ăn từ bên ngoài đưa vào

Sáng 12-3, Ban Văn hóa Xã hội (VHXH) – Hội đồng nhân dân (HĐND) TP đã có buổi làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP về công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Gần 30% cơ sở thực phẩm không đảm bảo VSATTP
Theo thống kê của TTYTDP TP, tính đến nay toàn thành phố có 49.324 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Năm 2008, TTYTDP TP và các quận/ huyện, phường/xã đã tiến hành thanh tra 32.327 cơ sở. Chủ yếu tập trung vào các bếp ăn tập thể (trong đó có cả bếp ăn trường học), cơ sở sản xuất nước chấm, rượu, sữa, thực phẩm phục vụ tết nguyên đán, bánh trung thu… Kết quả, 7.195 cơ sở không đảm bảo các điều kiện về VSATTP, chiếm 27%.
Cũng trong năm qua, TTYTDP TP đã lấy 15 mẫu thực phẩm xét nghiệm vi sinh thì có tới 10 mẫu không đạt (chiếm 67%); trong số 111 mẫu thực phẩm được xét nghiệm hóa sinh có 20 mẫu không đạt (chiếm 18%). Test nhanh hàn the, formol trong giò chả, bánh phở, bún… có 23% mẫu vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế.
Hậu quả của việc thực phẩm không đảm bảo VSATTP là số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tăng lên, năm 2007 chỉ có 19 vụ nhưng năm 2008 tăng lên 23 vụ. Nguy hiểm hơn, năm 2008 có tới 14 người tử vong do NĐTP (cụ thể là ngộ độc rượu), năm 2007 không có trường hợp nào. Riêng khối trường học, năm 2007 chỉ có 2 vụ NĐTP nhưng năm 2008 là 7 vụ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh – Phó ban VHXH – HĐND TP chất vấn: “Tại sao số vụ NĐTP trong khu vực trường học năm 2008 lại tăng 5 vụ so với năm 2007. Vậy số bếp ăn và căn tin trong trường học được cấp giấy chứng nhận VSATTP là bao nhiêu?”.
Bà Đào Mỹ Thanh – Trưởng khoa VSATTP, TTYTDP TP trả lời: “Cả 7 vụ NĐTP ở khu vực trường học là do đem thức ăn ở bên ngoài vào. Cụ thể là học sinh mua thức ăn ở cổng trường đưa vào lớp ăn, nhà trường đặt suất ăn công nghiệp cho học sinh ăn trưa, đặt bữa xế ở ngoài. Còn bếp ăn trong trường học rất đảm bảo VSATTP…”.
Đối với nước uống đóng chai, nước đá thì cứ kiểm tra là vi phạm. Kiểm tra 36 cơ sở sản xuất nước đá, có tới 22 cơ sở không đạt; kiểm tra 77 cơ sở sản xuất nước đóng chai có 51 cơ sở không đạt.
Người dân đang phải sử dụng nước máy bẩn
Hiện nay nguồn cung cấp nước cho người dân thành phố chủ yếu từ sông Đồng Nai qua xử lý của nhà máy nước Thủ Đức và Công ty cấp nước Bình An, từ sông Sài Gòn qua xử lý của Nhà máy nước Tân Hiệp. Ngoài ra, còn có nguồn nước ngầm qua xử lý của Công ty TNHH nước ngầm Sài Gòn. Năm qua, TTYTDP đã thực hiện lấy mẫu nước sông chưa qua xử lý của 4 nhà máy, tất cả đều không đạt. Hàm lượng Amoniac, Nitrit, Colifoms, Fe và Mn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Song, kết quả xét nghiệm hóa lý và vi sinh nguồn nước đã qua xử lý tại 4 nhà máy đều đạt.
Trong khi nước tại nhà máy đạt thì cũng nguồn nước đó đến với hộ dân lại không đạt. Các quận 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Nhà Bè đều không đạt độ clor dư. Nhiều quận, huyện không đạt vi sinh, hóa lý. Cụ thể: nước có màu, đục, độ oxy hóa cao, sắt, nitrate, amoniac vượt quá tiêu chuẩn…
“Còn nước ở chung cư thì khá bẩn, có tới 32% không đạt hóa lý và vi sinh. Bởi tất cả các chung cư đều sử dụng nước từ hồ chứa ngầm, sau đó bơm lên hồ trên sân thượng rồi mới tới từng hộ dân. Mà hồ chứa ngầm thì hầu như không bao giờ được súc rửa, ở trong hồ có khá nhiều côn trùng chết. TTYTDP TP đã cấp phát thuốc cloramin B, hướng dẫn cách súc rửa hồ chứa cho những người quản lý chung cư nhưng họ không chịu làm vì… không có kinh phí. Chúng tôi đã đề nghị Công ty Cấp phát nước TP súc rửa thì công ty trả lời là trách nhiệm đảm bảo nguồn nước sạch của họ chỉ đến đồng hồ nước của chung cư chứ không phải vòi nước của từng hộ dân…”, bà Hoàng Thị Ngọc Ngân – Trưởng khoa Sức khỏe Cộng đồng TTYTDP TP bức xúc.
Bài & ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)