Y tế - Văn hóaThư giãn

Đồ bộ “tiện thể” xuống đường

Tạp Chí Giáo Dục

Sống ở đô thị lớn, nhưng nhiều chị em quên béng cái văn minh tối thiểu. Các bà thoải mái “vận” cái thứ trang phục vốn chỉ dành cho chồng con ngắm trong nhà, để long nhong trước bàn dân thiên hạ, thậm chí vào tận những nơi mà tiêu chí đầu tiên là lịch sự.

Chợ là nơi đồ bộ tập trung xuống đường đông nhất. Cũng dễ hiểu, bởi đây gần như là chốn của các bà các cô. Các bà lý giải: “Nhà gần bên, chạy ra mua bó rau cọng hành mà phải áo quần chỉnh tề thì phiền phức quá!”. Vậy là đồ bộ đủ kiểu xuống chợ. Có khi nhàu nát do lăn lê bò toài từ giường ngủ đêm trước, sáng ra cứ thế chạy thẳng ra chợ. Có khi là một bộ cánh thoải mái như chưa bao giờ thoải mái hơn với áo sát nách lòi từng chùm “bông cỏ may” và cái quần “tà lỏn” lửng thùng thình, trông dơ không chịu nổi!

Cứ vậy mà đồ bộ gần như trở thành thời trang đi chợ của các bà nội trợ, chẳng cần nhà gần hay nhà xa, đi bộ hay xe máy với cái nón bảo hiểm tùm hùm. Lại có bà lý giải ưu điểm của đồ bộ khi vào chợ: “Cứ thử quần áo tề chỉnh coi? Thậm chí ăn vận càng sang càng lịch sự lại càng bị “chém” bị cân thiếu, vì mấy bà bán hàng cho khách là dân nhà giàu, dân văn phòng không biết giá cả, ít kì kèo… Đồ bộ đi chợ coi vậy mà mấy bả “nể”, vì nhìn vào là biết “dân” nội trợ thứ thiệt, không dễ qua mặt”.

Chị em tiểu thương thì khỏi nói, từ cỡ buôn gánh bán bưng đến thương gia hàng sỉ tất thẩy đều muôn năm đồ bộ. Với chị em này, đồ bộ là trang phục “năng động” nhất có thể la cà bưng bê suốt ngày ngoài đường. Quan điểm thoáng của các bà khiến đồ bộ mặc nhiên trở thành trang phục nghề nghiệp của giới, và cũng khiến hình ảnh đồ bộ ở nơi công cộng chẳng còn gì bất thường trong mắt các bà. Thói quen “vận” đồ bộ đi chợ ngấm sâu trong tư duy tiềm thức các bà, nên khi chuyển việc mua sắm từ chợ búa vào siêu thị các bà vẫn cứ bê nguyên xi mẫu lôi thôi đó vào, mặc cho chân dung các bà “thượng đế” cứ đối nghịch chan chát với các cô bán hàng trang phục lịch sự, và với khung cảnh sang trọng xung quanh.

 

Nhưng đồ bộ đâu chỉ đổ bộ vào chợ! Các bà các cô còn vận dụng nó trong mọi tình huống, mọi lúc mọi nơi, cả những lúc không ngờ nhất. Một lần, Bảnh tui đưa nhóm bạn đến thưởng thức ẩm thực tại một nhà hàng sân vườn khá lớn ở Phú Nhuận. Nhà hàng được tổ chức theo kiểu “buffet gánh” với các bàn chế biến thức ăn được bày ra mặt tiền cho khách chọn món. Nhà hàng thì hoành tráng, nhưng không hiểu chủ nhà hàng nghĩ thế nào mà để mấy nàng đầu bếp chế biến “chơi” toàn tông đồ bộ, cộng thêm phong cách bà Tám được thể hiện triệt để khi vắng khách, nhìn toàn cảnh khách cứ tưởng mình đang ở một cái chợ chồm hổm, vừa mất thẩm mỹ, vừa mất vệ sinh.

 

Cô bạn tui ngứa con mắt hết chịu nổi, bèn đùng đùng bỏ về sau khi viết mấy câu góp ý để lại cho chủ nhà hàng. Chưa hết, ghé quán kem nổi tiếng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bảnh tui lại bắt gặp một hình ảnh hết sức phản cảm. Một nhóm gia đình ồn ào vào quán, trong đó, những người đàn ông và những đứa trẻ ăn diện bảnh tỏn, ngược lại những người phụ nữ đi chung thì “nổi lềnh bềnh” với những bộ đồ ngủ.

 

Nhìn các bà son phấn tút tiếc kỹ lưỡng, phụ tùng bóp xách đi kèm sang trọng “đóng” bộ đồ xoa vào tận các cơ quan Nhà nước… mới thấy các bà “tự tin” đến mức nào. Những bà chơi mốt đồ bộ kiểu này cho rằng “đồ bộ thêu rua cầu kỳ như đồ Tây, vải viếc đắt tiền có thể xem là trang phục ra đường đạt chuẩn mà lại thoải mái hơn những bộ đồ Tây chật chội, cứng ngắt”. Thấy các bà chơi mốt kiểu này giới “đì zai” muốn… bỏ nghề! Các bà còn mang lý lẽ hơi bị cùn này thoải mái đóng “bộ” vào các cuộc họp phụ huynh cho con đầu năm học, hay vào trường làm việc với thầy cô.

 

Chịu không nổi mốt me của các bà, nhiều trường dán hẳn một thông báo ngay cổng trường: “KHÔNG TIẾP PHỤ HUYNH MẶC ĐỒ BỘ ĐẾN TRƯỜNG”. Có trường thì đưa nội dung này vào hẳn trong nội qui học sinh đem về cho… bố mẹ đọc. Đến nước này thì tình trạng đồ bộ vào trường được cải thiện rõ ở nhiều trường, nhưng không hoàn toàn mất đi, nhất là ở những ngôi trường nằm trong các khu xóm lao động. Vào các cơ quan hành chính nho nhỏ cỡ phường xã, thậm chí quận huyện cũng không khó nhìn thấy các bà lùng xùng đồ bộ đến chứng đơn với biện minh “tiện thể”. Những nơi này nhiều khi thông cảm cho người dân, không nỡ đuổi về, nhưng hình ảnh lùi xùi của các bà cũng khiến chốn công quyền trở nên nhếch nhác.

 

Để chấn chỉnh cái sự “tiện thể” của “quý bà”, chỉ còn cách dùng biện pháp mạnh “Cấm đồ bộ vào nơi công cộng”. Có thế mới trả lại môi trường thẩm mỹ chốn đô thị.

 

 THỊ BẢNH (TTO)

Bình luận (0)