Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Độ cao và sự tiến hóa của con người

Tạp Chí Giáo Dục

Nơi cư trú đóng vai trò nhào nặn con người, biến đổi họ triệt để từ trong ra ngoài để phù hợp với cuộc sống ở nơi đó.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy độ cao đã thúc đẩy quá trình tiến hóa của loài người, cho phép họ dựng nên hàng rào phòng ngự cuối cùng chống lại sự xâm lấn của những người ở nơi khác. Kết quả phân tích đã chứng tỏ hội chứng bệnh độ cao dường như có tác dụng để ngăn chặn người vùng thấp di chuyển lên các cộng đồng sống ở nơi cao hơn, chẳng hạn như dãy Himalaya, như nghiên cứu mới đây đăng trên chuyên san Applied Geography. Báo cáo đã lập bản đồ diễn giải tại sao những ngôi làng của người Tây Tạng cứ mọc lên ở độ cao đến 5.200 m cách mặt nước biển, nhưng nơi định cư của người Hán xuất hiện ở độ cao tối đa là 2.700 m. Ở phần bên kia của hành tinh, con người định cư ở núi Andes đã tiến hóa để cơ thể phù hợp với cuộc sống trên cao, theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Science. Một cuộc nghiên cứu khác cũng ghi nhận hậu duệ của thực dân Tây Ban Nha thời xưa thiếu hẳn những yếu tố thích ứng với môi trường, nên con cái họ có khuynh hướng nhỏ hơn thổ dân châu Mỹ.

Người Tây Tạng là ví dụ rõ nhất về sự tiến hóa theo vùng miền – Ảnh: anthrocvitas.net

Một cuộc nghiên cứu khác đăng trên chuyên san Genome Biology cho thấy người sống ở Tây Tạng, Andes và Ethiopia đã có sự thay đổi trong ADN để thích nghi với cuộc sống trên độ cao, theo một hiện tượng gọi là tiến hóa hội tụ. Tuy nhiên, sống ở vùng cao cũng đồng thời có những điểm hạn chế. Ở dãy Andes, Himalaya, trẻ em và thanh thiếu niên có khuynh hướng lớn chậm hơn so với các đối tượng đồng trang lứa ở vùng gần mặt nước biển. Các nhà nhân chủng học cũng ghi nhận người sống ở vùng cao thường không khá giả bằng mà còn suy dinh dưỡng hơn người vùng thấp, do sự khác biệt về chiều cao và quá trình phát triển, bên cạnh yếu tố gien di truyền và ảnh hưởng của hàm lượng ô xy thấp.

Bên cạnh đó, các đặc điểm khác trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng bởi nơi cư trú. Chẳng hạn, kích thước của hông cũng thay đổi theo nơi ở, như trong trường hợp thanh thiếu niên đang tuổi lớn và sống gần vùng cực có hông to hơn đồng bạn sống gần vòng xích đạo, theo báo cáo trên chuyên san American Journal of Physical Anthropology. Cư dân ở gần các cực cũng cao to và nặng nề hơn người sống nơi vùng nhiệt đới, nhằm tránh sự thoát nhiệt do ảnh hưởng môi trường và tăng cường khả năng sống sót ở cái lạnh ghê người ở vùng cực.

Màu da cũng phản ánh tình trạng vùng miền. Trước khi có sữa tăng cường vitamin D xuất hiện, nguồn cung cấp vitamin này chủ yếu là từ mặt trời. Con người có thể tạo ra vitamin D nếu phơi nắng đủ, nhưng ở các vùng Bắc Âu, mùa đông kéo dài và lạnh lẽo làm gián đoạn nguồn cung vitamin D. Do vậy, người bản xứ có làn da nhợt nhạt dễ hấp thu bức xạ tia cực tím hơn, từ đó thu hoạch nhiều vitamin hơn. Trong khi ở vùng nhiệt đới, nơi ánh nắng chói chang suốt năm, con người cần có làn da sậm, đóng vai trò làm chất chống nắng tự nhiên nhằm tránh tình trạng tia cực tím phá hủy a xít folic, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Những yếu tố về dinh dưỡng theo vùng cũng góp phần vào quá trình tiến hóa của loài người. Các nhà sinh học phát hiện dấu ấn gien chung giữa nhiều người châu Âu và Ấn Độ, cho thấy họ bắt nguồn từ một tổ tiên chung trong vòng 7.500 năm qua, theo báo cáo trên chuyên san Molecular Biology and Evolution. Trong khi đó, khả năng nhậu nhẹt cũng tùy thuộc vào nơi cư trú ban đầu. Ví dụ, người Đông Á sở hữu biến thể của một enzyme, cho phép phân hủy chất cồn thành hóa chất khác nhanh hơn các nhóm dân khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy các biến thể của gien này xuất hiện từ 10.000 đến 7.000 năm trước.

Hạo Nhiên (TNO)

Bình luận (0)