Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đồ chơi bạo lực, độc hại vẫn tràn lan

Tạp Chí Giáo Dục

Đồ chơi bạo lực, độc hại bán tràn lan không còn là chuyện mới, song dù đã cảnh báo có nguy cơ gây ung thư, suy giảm chức năng bài tiết nhưng nhiều người vẫn chọn mua.

Cửa hàng bán sỉ và lẻ đồ chơi trên đường Trần Bình (Q.6, TP.HCM)

Chợ Bình Tây, thủ phủ đồ chơi trẻ em những ngày hè nhộn nhịp hơn. Các cửa hàng trong ngoài bày la liệt đủ loại, những chuyến xe hàng đến và đi tấp nập. Khẳng định rằng đồ chơi trẻ em ngày càng phong phú về chủng loại, mẫu mã, chất lượng đều được cải tiến, tuy nhiên điều đáng lo ngại là hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc.

Hàng bạo lực kích thích khám phá, sáng tạo?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường với mẫu mã, kiểu dáng na ná các dòng sản phẩm của thương hiệu uy tín trên thế giới. Đồ chơi Trung Quốc được cho là có tác dụng phát triển tư duy, trí tuệ và óc sáng tạo của trẻ em bày bán nhan nhản. Thậm chí các loại đồ chơi bạo lực như dao, kiếm, súng nhựa nhưng ngoài bao bì vẫn ghi là “sản phẩm giúp trẻ khám phá thế giới”. Hay như nhiều loại đồ chơi cho bé gái như búp bê, bé làm bác sĩ, nấu ăn, chăm sóc em bé… cũng được xếp vào nhóm đồ chơi thông minh. Thế mới thấy việc in ấn trên bao bì, nhãn phụ của sản phẩm rất tùy tiện mà không một cơ quan nào xử lý. Ngoài đồ chơi bạo lực, trên thị trường còn có cả một thế giới kinh dị, là những phiên bản mặt nạ quỷ, yêu tinh, đầu lâu, bộ xương người…

Không chỉ ở chợ, cửa hàng chuyên đồ chơi, từ lâu đồ chơi Trung Quốc có mặt ở hầu hết các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm – những địa chỉ được cho là đáng tin cậy chỉ bán sản phẩm an toàn. Anh Phạm Toàn (Dĩ An, Bình Dương) chia sẻ: “Nghĩ đồ chơi bán ở nhà sách là tốt nhưng tìm đỏ mắt không thấy hàng Việt Nam mà toàn hàng Trung Quốc. Hàng của Nhật, Đài Loan, Mỹ… thì đắt quá không có tiền mua”. Nhiều người bán cho biết, lấy hàng xịn về chưng từ năm này qua năm khác chôn vốn. Tâm lý khách hàng chọn đồ chơi ngoại đắt tiền thì tìm đến đại lý, thế giới đồ chơi sẽ an tâm hơn và chế độ bảo hành, hậu mãi tốt hơn.

Ngày hè oi bức, đến hồ bơi giải nhiệt được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con. Tuy nhiên không ít phụ huynh lo ngại không an toàn, lại tốn tiền nên chọn giải pháp mua bể bơi hơi mini về sử dụng. “Chỉ 250.000 đồng trở lên là có một bể bơi tại nhà. Người bán quảng cáo là hàng Đài Loan, Mỹ nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi thì là hàng Trung Quốc cả. Hàng ngoại giá thấp nhất hiện nay là 3 triệu đồng với bể có kích thước cực nhỏ”, ông Nguyễn Văn Thành, chủ doanh nghiệp thu mua và tái chế nhựa cho biết.

Ông Thành khuyên, tuyệt đối không sử dụng bể bơi rẻ tiền, hay các miếng dán, mặt nạ… bởi nó được làm từ nhựa tạp cứng phế thải và nhiều loại hóa chất, sơn cực độc không được phép sử dụng trong sản xuất đồ chơi, dụng cụ đựng và bảo quản thức ăn. Hóa chất này trong môi trường nước rất nguy hiểm cho trẻ khi tiếp xúc trực tiếp với mắt, da.

Dễ nhận thấy là các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc có màu sắc bắt mắt, mẫu mã chẳng thua kém sản phẩm của các nhà sản xuất, phân phối có uy tín nhưng giá chỉ bằng 1/2, thậm chí chỉ bằng 1/3. “Tính năng như nhau, chất liệu cũng thế nhưng đẹp, giá rẻ thì dại gì đi mua hàng xịn. Hơn nữa, trẻ con mau chán, mua về chơi một hai hôm là vứt xó nên cha mẹ thường chọn đồ chơi giá rẻ, bỏ cũng không tiếc”, chị Lê Nga – tiểu thương bán đồ chơi trẻ em ở chợ Bình Tây (Q.6) giải thích.

Rước bệnh như chơi với đồ chơi giá rẻ

Lo ngại nhất hiện nay là các loại đồ chơi siêu rẻ với nguyên liệu chủ yếu hóa chất, kim loại nặng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Bác sĩ Nguyễn Hoài Giang (Khoa Cấp cứu hồi sức, Bệnh viện An Bình) cảnh báo: “Trẻ dễ bị nhiễm các bệnh qua đường hô hấp, qua da, mắt và miệng. Hóa chất độc hại sẽ làm giảm chức năng miễn dịch, gan, thận và nguy hiểm hơn là tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư…”.

“Xu hướng chung hiện nay của phụ huynh là chọn lựa những sản phẩm đồ chơi “sáng tạo, thông minh…” cho con nhưng bản thân thì mù tịt, chẳng biết nó sẽ sáng tạo thế nào? Vì đặt tiêu chí “sáng tạo” lên trên hết mà bỏ qua các yếu tố cần thiết như nguyên liệu, màu sắc có phù hợp với lứa tuổi hay không, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý trẻ ra sao?”, chuyên gia tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân cảnh báo.

Hè là thời điểm những sản phẩm có “ruột” nhưng bao bì Mỹ, Pháp, Nhật… được tung ra thị trường với số lượng lớn. Các con đường Tháp Mười, Trần Bình… bao bọc chợ Bình Tây ngập tràn hàng Trung Quốc. Ông chủ một cửa hàng tại đây trả lời khi tôi muốn tìm một món đồ chơi trong nước sản xuất: “Làm gì có hàng Việt Nam mà tìm”.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kêu gọi người dân mạnh dạn tố giác các tổ chức, cá nhân mua bán hàng giả, đồ chơi kích động bạo lực phản giáo dục, không nguồn gốc. Đồng thời, ông cũng cho biết Chi cục Quản lý thị trường TP thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên ngành tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em…

Bài, ảnh: T.Anh

Bình luận (0)