Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

“Đồ chơi” của chủ nhà

Tạp Chí Giáo Dục

CĐV Nam Phi có nhiều “đồ chơi” rất đặc biệt, để động viên tinh thần cho đội bóng con cưng của họ tại World Cup trên sân nhà.
Những ngày này, vật dụng được bán nhiều nhất ở Nam Phi chính là chiếc kèn có tên vuvuzela – một “đặc sản” chỉ có ở Nam Phi. Tôi đã cố gắng tìm hiểu về nguồn gốc cây kèn này từ những người bán dạo trên phố, đến những người kinh doanh dụng cụ cổ vũ trong các cửa hàng bán dụng cụ thể thao quanh sân vận động.
Mỗi người đã đem đến một câu chuyện vuvuzela khác nhau nhưng có một điểm chung là tất cả đều tự hào về cây kèn này và dĩ nhiên, họ muốn bán được càng nhiều vuvuzela càng tốt!

CĐV Nam Phi với kèn vuvuzela trên tay

Vuvuzela, theo giải thích của người bản địa, xuất phát từ tiếng dân tộc Zulu – một dân tộc gốc Phi khá đông đảo ở đất nước cầu vồng. Có người cho rằng vuvuzela ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước, tuy nhiên sức quảng bá và sự phổ biến trong đời sống thể thao Nam Phi thì đến tận những năm 1990, vuvuzela mới xác lập được một chỗ đứng không thể thiếu.
“Nó vốn là chiếc tù và được làm từ sừng linh dương hay sừng trâu, được thổ dân sử dụng khi đi săn bắt và để liên lạc với nhau”- một người bán vuvuzela giải thích.
Vuvuzela giờ đã trở thành tên riêng nhưng trong tiếng Zulu nó có nghĩa là “tạo ra âm thanh vuvu”. Nhiều người nói âm thanh vuvuzela phát ra giống tiếng voi gầm, có người lại bảo nó giống như tiếng ong vò vẽ. Thời gian này âm thanh của vuvuzela có lẽ là âm thanh phổ biến nhất ở thủ đô Pretoria.
Đã được nghe chiếc kèn này rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy vuvuzela có khả năng phát ra âm thanh một cách bài bản. Nếu không quen, chắc chắn một số người sẽ cảm thấy khó chịu về những âm thanh này thay vì được tiếp thêm hứng khởi từ nó. Từ vài tháng nay, vuvuzela đã được sản xuất đồng loạt để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu CĐV Nam Phi.
Số phận cây kèn vuvuzela trước World Cup 2010 đã bị FiFa và các đội nước ngoài dự Cúp Các Liên đoàn châu lục 2009 đặt một dấu hỏi lớn. Xuất hiện rất nhiều ý kiến cho rằng nên cấm vuvuzela trong các trận đấu World Cup sắp tới vì nó gây ồn ào, làm các cầu thủ mất tập trung, không nghe tiếng còi của trọng tài, gây hỗn loạn âm thanh của các đài truyền hình và thậm chí có thể biến thành “vũ khí” nếu sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, rất may FIFA đã không đưa ra lệnh cấm vuvuzela sau khi các CĐV Nam Phi đấu tranh tới cùng, họ chỉ yêu cầu BTC phải kiểm soát tốt hơn cây kèn này. Ngoài vuvuzela, chiếc mũ marakapa cũng là một “đặc sản” chỉ có ở Nam Phi. Không chỉ xuất hiện trong những trận bóng đá, marakapa cũng rất phổ biến khi cổ vũ rugby, cricket.
“Đôi bạn” vuvuzela và marakapa là những “đồ nghề” không thể thiếu của CĐV Nam Phi. Dù không hiểu và không say đắm âm thanh vuvuzela, tôi vẫn ủng hộ việc sử dụng cây kèn này tại World Cup 2010. Nó sẽ mang lại một màu sắc khác biệt cho cúp thế giới lần đầu tiên được tổ chức ở Nam Phi.
Trang phục truyền thống của người da màu cộng với những điệu nhảy rất hoang dã của họ là một chất riêng mà không ở đâu có. Đoàn quân Bafana Bafana – tên gọi thân mật của đội tuyển Nam Phi – nghĩa là “các cậu bé, các cậu bé”. Có lẽ cũng giống như CĐV VN gọi đội tuyển là “những chàng trai áo đỏ” vậy. “Những cậu bé” của Nam Phi sẽ được tiếp sức rất nhiều nhờ vuvuzela và marakapa. Tôi cũng phải chuẩn bị sắm cho mình cặp “đồ nghề” này để không bị lạc lõng cho những ngày hội đang tới gần.
Nam Việt (theo NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)