Đã hơn nửa tháng kể từ khi quy định dán tem hợp quy CR có hiệu lực, nhưng đồ chơi không tem, không nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn lan trên thị trường TP.HCM.
Tem nào chẳng là tem?
Tất cả đồ chơi bày bán tại Big C đều có gắn dấu hợp quy. |
Dù nửa tháng qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra và tịch thu hàng ngàn đồ chơi không dán tem, không ghi nguồn gốc xuất xứ, nhưng những loại đồ chơi này vẫn tràn ngập thị trường. Có mặt tại chợ Bình Tây (Q.6) trưa ngày 29/9, chúng tôi thấy hàng hóa bán tại các sạp kinh doanh đồ chơi tuy có dán tem hợp quy nhưng là tem tự in.
Loại tem này còn được người bán xem như một món hàng và bán kèm với đồ chơi. Không chỉ dán tem tự in, ở những cửa hàng kinh doanh đồ chơi lớn khu vực đường Ngô Nhân Tịnh (Q.5), Trần Bình (Q.6)…, đồ chơi có dán tem được “làm mặt” ở phía trước, những loại không tem được người bán để ở “hậu trường” nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Đó là cách kinh doanh đồ chơi không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ hiện nay vì theo lời một chủ cửa hàng kinh doanh trên đường Ngô Nhân Tịnh: “Không thể dán tem tất cả các loại đồ chơi được. Hàng bán sỉ về liên tục, chúng tôi chỉ có thể cung cấp tem rời để bạn hàng mua về bán lẻ tự dán”.
Đồ chơi ở các điểm bán sỉ đã không dán tem như thế, nên tại các điểm bán lẻ ở quận Tân Bình, quận Bình Thạnh hay trước cổng trường, hầu hết đồ chơi đều không dán tem, còn nếu có dán thì đa phần là tem “nhái”.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, chủ một cửa hàng đồ chơi trên đường Ni Sư Quỳnh Liên (Q. Tân Bình), cho biết: “Chúng tôi chẳng biết tem hợp quy là gì cả. Bạn hàng bỏ mối như thế nào thì chúng tôi bán như thế thôi. Có hay không có tem thì cũng đâu có ai kiểm tra đồ chơi chúng tôi bán có chứa chất độc gì!”
Kiểm tra nửa chừng, xử lý nửa vời
Theo các cơ quan chức năng, hiện nay, gần 90% đồ chơi trên thị trường là đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc. Những món hàng này được sản xuất từ nhựa tái chế pha nhiều phụ gia độc hại. Thậm chí, nhiều loại còn sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em.
Sau 10 ngày kiểm tra việc thực hiện dán tem hợp quy, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tịch thu hơn 22.000 đồ chơi trẻ em không được dán tem, không ghi nguồn gốc, nhiễm chất độc hại.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc nhiễm chất độc hại đã có trên thị trường từ nhiều năm nay, nhưng không có biện pháp giải quyết triệt để.
Mới đây, Công ty TUV Rheinland Việt Nam, một đơn vị chuyên kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm độc lập, đã công bố mẫu đồ chơi đĩa bay phát sáng xuất xứ từ Trung Quốc có nhiễm chất Phthalates độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép. Chất độc hại trên loại đồ chơi này có thể ảnh hưởng đến gan, thận và đặc biệt là sự phát triển của thai nhi.
Thống kê của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, tại TP.HCM, chỉ có một số ít doanh nghiệp, như: Gỗ Đức Thành, Nhựa Chợ Lớn và hệ thống các siêu thị Big C, Co.opMart thực hiện nghiêm túc việc dán tem hợp quy trên đồ chơi.
Trong đó, Nhựa Chợ Lớn là đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em đầu tiên tại TP.HCM được cấp chứng nhận đồ chơi hợp chuẩn. Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn, cho biết, có gần 300 loại đồ chơi, gồm: xe hai bánh, xe ba bánh, xe tập đi, xe mô tô chạy bằng bình ắc-quy, cầu tuột… của Công ty được gắn dấu hợp quy.
Theo Trung tâm Chứng nhận phù hợp 3 (Quacert 3) thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng tại TP.HCM, mới có khoảng 60 doanh nghiệp đăng ký để được giám định và cấp dấu chứng nhận CR (chứng nhận hợp quy) cho đồ chơi trẻ em. Điều đáng nói là có đến hơn 90% là đồ chơi nhập khẩu từ Trung Quốc và Quacert 3 cũng đã loại hơn 26.000 đồ chơi không hợp chuẩn. Trong đó, nhiều nhất là các loại xe lắc tay, xe đẩy chân, các loại xe chạy bằng pin, búp bê, điện thoại, lồng đèn… |
Việc dán tem hợp quy đã được Công ty triển khai từ nhiều tháng trước đó. Và nhờ gắn dấu hợp quy cùng với uy tín thương hiệu nhiều năm nay mà doanh số của công ty tăng mạnh trong tháng qua.
Ông Bảy cho rằng: “Việc áp dụng tem hợp quy là chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm bảo vệ sức khỏe người sử dụng. Và trong kinh doanh, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có uy tín sẽ đứng vững trên thị trường”.
Cũng như Nhựa Chợ Lớn, Big C đã thực hiện gắn dấu hợp quy cho tất cả các loại đồ chơi và đồ điện, điện tử bán tại hệ thống siêu thị với một quy trình chặt chẽ.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, phụ trách đối ngoại khu vực phía Nam của Big C, cho biết, ngay từ đầu tháng Hai, Big C đã tổ chức tập huấn về an toàn đồ chơi và phổ biến quy định mới cho các nhân viên thu mua và nhà cung cấp.
Từ giữa tháng Sáu, Big C yêu cầu nhà cung cấp hoàn thiện hồ sơ hợp quy (đối với sản phẩm tồn kho tại cửa hàng) và cung cấp hồ sơ hợp quy (đối với sản phẩm mới). Sau ngày 31/8, siêu thị đã loại bỏ toàn bộ các mặt hàng không đáp ứng được yêu cầu về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (CR) theo quy định.
Dù đồ chơi không hợp chuẩn vẫn tràn lan trên thị trường, nhưng kế hoạch của các cơ quan chức năng cũng “chỉ kiểm tra một thời gian nữa, và chỉ có thể kiểm tra ở những điểm bán tập trung với số lượng lớn, chứ chưa thể kiểm tra tất cả”, như lời một cán bộ quản lý thị trường. Trước thực trạng này, nhiều người cho rằng, khó có thể kiểm tra, kiểm soát đồ chơi không hợp chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. Và như vậy, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em vẫn còn tiếp diễn!
HỒNG NGA / DNSG
Bình luận (0)