Tòa soạnThư đi – tin lại

Đồ chơi trẻ em không dán tem CR: Kiểm đâu, sai đó

Tạp Chí Giáo Dục

Cán bộ QLTT kiểm tra đồ chơi trẻ em tại Công ty TNHH TM – DV An Điền

Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tại TP.HCM đồng loạt kiểm tra thị trường đồ chơi trẻ em. Đội 6B “tấn công” các điểm bán đồ chơi trẻ em tại đường Trần Bình (chợ Bình Tây, Q.6) và tạm giữ 620 sản phẩm đồ chơi trẻ em tại cửa hàng số 20. Các cửa hàng khu vực gần đó lập tức đóng cửa, lực lượng QLTT đành… bó tay!
Không kịp trở tay
Bất ngờ kiểm tra, đội 5B tiếp tục tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất không hóa đơn chứng từ, không tem CR tại hai cửa hàng ở số 144 và 146 Ngô Nhân Tịnh (Q.5). Kiểm tra kho hàng tại số 165/5 Nguyễn Văn Luông (P.10, Q.6) của Công ty TNHH Khang Hữu, đội 5A phát hiện hàng ngàn khẩu súng đồ chơi bằng nhựa, sử dụng lò xo, khí nén là đồ chơi bạo lực, thuộc danh mục hàng cấm lưu thông. Chỉ trong một ngày, đội 5A đã chuyển… 2 xe tải súng đồ chơi về kho và vẫn còn tiếp tục phát hiện hàng loạt vi phạm.
Nhờ yếu tố bất ngờ nên tổ công tác khác thuộc đội 3A đã “đổ bộ” kiểm tra cửa hàng đồ chơi trẻ em tại số 15 Lý Thái Tổ, Q.10 và phát hiện khoảng… một xe tải đồ chơi trẻ em nhập lậu, không dán tem CR. Một tổ công tác khác thuộc đội 3A “đột nhập” kiểm tra Công ty TNHH TM-DV An Điền (220/1 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận), phát hiện hơn 500 mẫu hàng chưa được cấp chứng nhận hợp quy CR. Một cán bộ QLTT cho biết: “Hơn 500 mẫu hàng hiện nay chưa dán tem CR theo quy định, nhưng chúng tôi chỉ ghi nhận báo cáo cấp trên chứ không thể tạm giữ hàng, vì đơn vị này đã đưa mẫu hàng lên cơ quan chức năng từ rất lâu nhưng đến nay các cơ quan này chưa trả lời”.
Theo Chi cục QLTT TP, đến cuối ngày 15-9, lực lượng QLTT đã tạm giữ hơn 1.000 cây súng đồ chơi thuộc danh mục đồ chơi bạo lực, hàng cấm kinh doanh, hơn 4.700 sản phẩm và 20 thùng carton đồ chơi trẻ không có tem CR, không có hóa đơn chứng từ.
Doanh nghiệp “kêu cứu”?!?
Bà Nguyễn Vân Trang – Giám đốc Công ty TNHH TM-DV An Điền nói: “Đến nay, tôi còn hơn 500 mẫu hàng với vài chục ngàn sản phẩm chưa có tem CR để dán. Đáng nói là tôi nộp số mẫu này lên Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng TP từ tháng 4-2010. Đến tuần rồi, tôi sốt ruột quá lên cơ quan chức năng hỏi thăm số mẫu hàng này thì họ hẹn đến… cuối tháng. Họ chỉ hẹn miệng nên không biết cuối tháng có xong không nữa!”.
Theo một cán bộ QLTT thì tình trạng đầu mối phân phối đồ chơi trẻ em các tỉnh trả hàng về đầu mối để trừ tiền nợ nhưng công ty không nhận. Các đơn vị này sợ cơ quan chức năng tịch thu hàng nên tự in tem CR dán lên sản phẩm. Một doanh nghiệp phân phối đồ chơi trẻ em cho biết: “Bạn hàng trả hàng về, mình “ôm” là chết, không “ôm” thì bạn hàng… không trả nợ, mất mối luôn”.
Ông H. – cán bộ QLTT cho biết: “Ngay từ tháng 7-2010, tôi đã kiến nghị về quy định tem phải do Nhà nước phát hành. Nếu doanh nghiệp được in tem thì cửa hàng đồ chơi trẻ em… cũng tự in tem để dán lên sản phẩm, làm sao biết tem thật, giả”. Cũng theo cán bộ này, đối tượng kinh doanh hàng lậu cũng… tự in tem dán lên hàng lậu, làm sao QLTT phân biệt được? Bà Trang bức xúc: “Theo tôi, cơ quan chức năng triển khai quy định này bất hợp lý quá. Chưa có tem dán lên sản phẩm chúng tôi đâu dám đưa hàng ra thị trường, đành “bó tay” đợi giấy chứng nhận hợp quy CR”. Ông Lý Ngọc Thắng – Đội trưởng đội 3A nói: “Các cơ quan phối hợp không đồng bộ nên nảy sinh rất nhiều bất cập, doanh nghiệp đành đối phó bằng cách… đóng cửa để tránh QLTT”.
Ông Đặng Văn Đức – Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP cho biết: “Tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử phạt, có thể gồm phạt tiền và buộc gắn dấu hợp quy theo quy định trước khi đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không phù hợp đang lưu thông để tái chế hoặc tiêu hủy. Đồ chơi trẻ em chỉ bị tiêu hủy trong trường hợp là hàng nhập khẩu không đảm bảo chất lượng!
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang

 

Bình luận (0)