Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đồ dùng dạy học bậc THCS: Thừa và thiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu tiết dạy thiếu ĐDDH thì xem như giờ học đó chưa đạt yêu cầu
Theo nhiều giáo viên (GV) giảng dạy bậc THCS, đồ dùng dạy học (ĐDDH) ở bậc học này hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học – nhiều bộ môn ĐDDH thiếu trầm trọng, trong khi có bộ môn ĐDDH chỉ để… trưng bày.
GV tự xoay xở làm ĐDDH
Cô Võ Phạm Phúc Hậu, GV bộ môn vật lý, Trường THCS Bình Lợi Trung (Bình Thạnh) chia sẻ: “Mônvật lý là một môn học gắn với nhiều bài thực hành và thí nghiệm nên đồ dùng để cho GV giảng dạy có khá nhiều chi tiết nhỏ và đòi hỏi sự chính xác cao. Một tiết học chỉ có 45 phút cho cả phần lý thuyết và thực hành, GV không thể lên lớp mới lắp ráp các mô hình mà phải bỏ ra vài giờ ở nhà để chuẩn bị trước các mô hình. Nhưng, đôi khi những mô hình cần thiết này lại “giở chứng” ngay trong tiết học. Thông thường, chúng tôi phải kiểm tra ĐDDH trước cho “chắc ăn” nhưng thỉnh thoảng khi lên lớp dạy ĐDDH lại “không chịu làm việc”, vậy là cả thầy và trò phải “học chay”. Cô Phúc Hậu cho biết thêm, theo lý thuyết, sự chính xác của các trang thiết bị trong vật lý đòi hỏi phải rất cao, nhưng trên thực tế ngay cả những thiết bị đo đạc đơn giản nhất như Vol kế, Ampe kế cũng không đáp ứng độ chính xác. Từ đó, dẫn đến tình trạng là cả thầy và trò phải làm thí nghiệm nhiều lần để quan sát và ghi kết quả nhưng chẳng lần nào giống lần nào và cũng chẳng giống với mô tả trong sách giáo khoa. Đó là đối với các bộ môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, còn với những môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nhiều GV cho rằng ĐDDH tương đối đầy đủ nhưng đã quá cũ nên khó có thể sử dụng trong tiết dạy.
Thầy Trần Duy Mỹ, GV bộ môn lịch sử, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết trong bộ môn lịch sử HS không tận mắt thấy sự kiện diễn ra như thế nào nên GV phải thông qua tư liệu, nhất là hình ảnh trực quan như một kênh kiến thức để giúp các em hình dung lại sự kiện đó và hình thành khái niệm lịch sử cho từng bài học cụ thể. “Bộ môn này tuy không thiếu ĐDDH nhưng trên thực tế có một số bản đồ đã cũ mà vẫn chưa được in mới. Chẳng hạn như bản đồ chủ nghĩa tư bản thế kỷ XVI không thể thiếu khi dạy phần lịch sử thế giới lớp 8 ở học kỳ 1 – bản đồ đã được sử dụng cho nhiều bài nhưng hiện nay không có bản in mới”, thầy Mỹ nói.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Thành Long, GV bộ môn giáo dục công dân, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Tân Bình), cho rằng môn giáo dục công dân cần nhiều hình ảnh để minh họa nhưng ở trường có rất ít tư liệu, phần lớn là bản thân GV phải tự làm. Thầy Long dẫn chứng, khi giảng bài Giáo dục an toàn giao thông, GV chỉ được cấp duy nhất một bảng ký hiệu về an toàn giao thông do Sở GD-ĐT phát đã lâu, xài từ năm này qua năm khác. Hay khi cho HS đóng kịch, các em phải tự trang bị trang phục, đạo cụ mang từ nhà vô hoặc mượn bạn bè… “Vì vậy, đối với bộ môn này GV vẫn đang tự xoay xở với ĐDDH”, thầy Long tâm tư.
Nghịch lý thiếu – thừa(?!)

Các em học sinh trong một giờ thực hành thí nghiệm.
Hiện nay có một thực tế được nhiều GV thừa nhận, đó là ĐDDH ở các trường THCS vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. “ĐDDH vừa thừa vừa thiếu. Về cơ bản, những tranh, ảnh minh họa theo SGK đã được Bộ GD-ĐT in sẵn gửi về đầy đủ. Nhưng có những bộ tranh, ảnh đặc biệt quan trọng mà HS muốn xem để hiểu và áp dụng vào bài thực hành như bộ tranh vẽ về biến dị của động vật, của người hay bộ ảnh về nhiễm sắc thể, nguyên nhân giảm phân, cấu tạo tế bào của thể tức… lại khá phức tạp. Ở môn sinh học, GV còn gặp một khó khăn khác, đó là mô hình về các cơ quan người, động vật phần lớn đều bằng chất liệu thạch cao, dễ vỡ và rất cồng kềnh như mô hình con châu chấu, con thằn lằn… rất khó khăn cho việc di chuyển, nhất là với những trường còn thiếu phòng thực hành. Trong khi đó, ĐDDH ở môn nhạc lại… thừa. Có trường chỉ có một GV và trong chương trình chính khóa không sử dụng đến đàn ghi ta thì lại được cấp đến… 3 cây đàn chỉ để treo trên tường”, thầy Nguyễn Thâm, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Lợi Trung chia sẻ.
Thiếu ĐDDH thì thầy và trò đều phải “dạy chay, học chay” kiến thức lý thuyết khiến HS rơi vào tình trạng “nửa tin nửa ngờ” tiết học thiếu sinh động hoặc HS chỉ biết học thuộc lòng. Điều này chẳng những không đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp mà chất lượng dạy học thì không theo kịp đà tiến bộ chung của các nước tiên tiến trong khu vực. Hiểu được vấn đề này, nhiều GV có tâm huyết – ngoài giờ dạy học ở trường – đã tập trung vào việc chế tạo ĐDDH. Thầy Nguyễn Thành Long cho biết: “Thiếu ĐDDH thì chắc chắn người GV phải tự sáng chế rồi. Khoản kinh phí để làm ĐDDH không phải là ít so với lương của GV”.
Theo thầy Nguyễn Thâm, thiếu ĐDDH thì trách nhiệm của nhà trường là phải mua sắm thêm hoặc tự làm. Tuy nhiên, ở những trường nhỏ và nghèo thì thường không đủ kinh phí để có thể trang bị đầy đủ. Trong khi đó, ĐDDH thường được nhà sản xuất làm theo kiểu tích hợp, nghĩa là sử dụng nhiều lần nên đương nhiên rời rạc, lủng củng nhiều thứ. Theo ý kiến của tôi, nên sản xuất nguyên bộ theo từng chương; bài đặc biệt thì có một bộ liền lạc có độ chính xác cao, dễ làm để tránh những thiếu sót khi làm thí nghiệm”.
Bài, ảnh: DƯƠNG BÌNH

“Việc GV tự làm ĐDDH là rất đáng khích lệ nhưng mất nhiều công sức mà đôi khi lại không đạt yêu cầu, hiệu quả. GV thường tự làm tranh minh họa cho các tiết học nhưng không phải tranh nào GV cũng có thể vẽ được. Bởi với những tranh phức tạp, chỉ vẽ lại bằng cách phóng to ảnh trong SGK thì không chính xác về màu sắc, kích thước, tỷ lệ… và như vậy sẽ mất đi tính chính xác của bài dạy”, thầy Nguyễn Thâm – Hiệu trưởng Trường THCS Bình Lợi Trung khẳng định.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)