Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Dỗ” hay “dạy”?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học trên thế giới, mỗi người trong chúng ta, ai cũng có trong mình cái ý chí hùng bá. Trạng thái tâm lý này biết dùng đúng chỗ, đúng lúc sẽ giúp con người có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, không chịu đầu hàng số phận. Ý chí hùng bá này nếu được nuôi dưỡng trong cái nôi của một gia đình có giáo dục, một môi trường xã hội thân thiện thì sẽ vô cùng tốt đẹp đặc biệt là với trẻ em.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hung hãn, một dạng của ý chí hùng bá của trẻ em, tính cách này thường dẫn đến hệ lụy có sức thẩm thấu rất mãnh liệt để rồi theo năm tháng tiêm nhiễm sâu vào nhận thức khiến các em càng hung bạo, suy thoái về mặt nhân cách và đạo đức.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các nhà nghiên cứu tâm lý phân tích chỉ ra rất rõ và có hệ thống, nhưng theo tôi, một nguyên nhân cốt lõi ai cũng thấy nhưng chưa được quan tâm đúng mức, đó là cái nôi gia đình mà trẻ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Là một nhà giáo gần 40 năm trong nghề dạy học, tôi được tiếp xúc với không ít học sinh có tính cách hung hãn luôn giải quyết mâu thuẫn với bạn bè bằng nắm đấm, có khi bằng hung khí. Qua tìm hiểu, tôi thấy những học sinh có tính cách hung hãn thường do sự chiều chuộng thái quá của gia đình. Những em ấy cho rằng mình là con người bất khả xâm phạm kể cả thầy cô giáo và các lực lượng xã hội khác. Chính điều này khiến các em trở nên bất trị và khi lớn lên sẽ mang cái tính cách này vào đời. Và khi có điều gì không bằng lòng, tính cách này trỗi dậy làm tổn thương đến người khác.

Vấn đề tôi đặt ra ở đây không mới, người lớn ai cũng biết, mong gia đình nhìn lại cách giáo dục của mình với con trẻ để các em bớt tính hung hãn, và tạo điều kiện cho giáo viên được dạy dỗ học sinh mình theo đúng nghĩa của nó, chứ đừng bắt người thầy phải “dỗ” là chính, còn “dạy” thì phụ.

Nguyễn Học 

Bình luận (0)