Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Dở khóc dở cười với tật nói ngọng

Tạp Chí Giáo Dục

"Cơn gió lào bay ngang cuộc đời, nói với em rằng tôi nẻ noi", Lâm, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cao giọng hát trong buổi liên hoan tốt nghiệp khiến cả hội trường một phen cười nắc nẻ.
Sở hữu giọng hát hay và có "máu văn nghệ" nên đi đến đâu, Lâm (quê Hải Dương) cũng xung phong góp vui. Ngặt nỗi nói ngọng vì không phân biệt được "n, l" nên mỗi khi cậu cất giọng là bạn bè không nhịn được cười. Từ những "nắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu nan tím Đà Nạt sương phủ mờ" hay "nòng mẹ bao na như biển Thái Bình"… qua tiếng ca của Lâm đều trở thành "ca khúc bất hủ" bị nhiều người nhại đi nhại lại.
Biết bạn bè chọc ghẹo mình, nhưng Lâm vẫn cười xuề xòa mỗi khi có ai đề cập đến chuyện sửa lỗi phát âm. "Từ nhỏ tớ đã nói vậy nên giờ không sửa được. Cả nàng (làng) tớ đều nói vậy chứ đâu phải mình tớ", nam sinh này có lần gãi đầu phân trần.
Đa phần người thân quen và bạn bè hoàn toàn thông cảm với lỗi phát âm "bẩm sinh" của chàng trai và xem đó như một phần màn tấu hài mua vui cho cộng đồng. Nhưng một số người lần đầu nghe lại cảm thấy "chói tai".
"Sinh viên đại học ra trường mà còn nói ngọng kiểu ấy thì kỳ lắm. Rồi sau này đi xin việc làm hay thuyết trình trước đám đông, người ta cười cho", một khán giả phàn nàn sau khi "thưởng thức" ca khúc Lời của gió mà Lâm vừa trình bày.
Nhiều sinh viên đại học ra trường vẫn phát âm ngọng. Ảnh minh họa: cungmua
Nghe Bằng Kiều hát ca khúc Lời của gió
Trong khi đa phần người nói ngọng là do không phân biệt được "n, l" ngay cả khi viết, thì cá biệt có một số sinh viên không thể phát âm được một trong hai chữ "n" hoặc "l" nên đọc sai cả những từ tiếng Anh cơ bản.
Như trường hợp của Hiền (sinh viên năm nhất Đại học Mở tại TP HCM, quê Thái Bình) thì mọi thứ đều được mặc định là "n", cả với tiếng Việt hay tiếng Anh. Bạn bè cho biết, nực cười nhất là mỗi lần nói chuyện điện thoại, nữ sinh đều trả lời "a nô tớ nghe". Thậm chí trong giờ học Anh văn, Hiền vẫn phát âm "he nô" (xin chào) khi được thầy yêu cầu tự giới thiệu về bản thân.
Cũng vì lỗi phát âm sai mà Hiền mất tự tin hẳn, đã cố gắng tự sửa nhưng chưa được nên cô ngại phát biểu trước đám đông. Cô gái 18 tuổi tâm sự: "Ở quê tớ mọi người, từ bố mẹ, thầy cô ai cũng phát âm n hết. Nhiều khi bạn bè chọc ghẹo tớ cũng biết nhưng sửa mãi không được ngại quá".
Một thời khổ sở vì bị bạn bè trêu chọc khi phát âm sai, anh Chuyền (cựu sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng TP HCM) cho biết, phải mất gần 2 năm khổ luyện mới sửa được lỗi này. Chuyền kể: "Hồi học năm thứ ba mình đi xin việc làm thêm ở một công ty xuất nhập khẩu, đến vòng phỏng vấn trực tiếp thì rớt vì người ta bảo công việc thường xuyên tiếp xúc với khách hàng mà nói sai như thế nghe rất sượng".
Từ đó anh quyết tâm sửa lỗi phát âm, từ học hỏi kinh nghiệm của bạn bè đến tự mình đúc kết phương pháp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sau 2 năm khổ luyện, anh Chuyền đã sửa được "tật" này và tự tin hơn nhiều khi nói trước đám đông.
Kinh nghiệm của cựu sinh viên này là học thuộc một bài thơ hay câu nói bất hủ nào đó mà có cả l và n. Mới đầu để ý đọc đi đọc lại nhiều lần để nhận rõ mặt chữ và phát âm thật chuẩn từng từ, sau đó học thuộc và mỗi khi rảnh lại nhẩm đi nhẩm lại và tăng tốc đến khi nào "nhắm mắt" đọc mà không bị lỗi nữa.
"Cứ làm như thế học thuộc mấy bài thơ là sửa được thôi. Hồi đó nhiều lúc giận bạn bè trêu chọc hoài, nhưng giờ nghĩ lại nhờ vậy nên mình mới tự sửa. Quan trọng nhất là bản thân mình ý thức chứ không cố gắng thì chẳng ai giúp được", anh Chuyền hiện là nhân viên kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu tại TP HCM đúc kết.
Cũng vì phát âm sai "rồi" thành "gồi" hoặc "rổ rá" thành "gổ gá" (cách nói của người Nam bộ) nên mỗi lần thuyết trình trước lớp, Thành đều khiến thầy cô và bạn bè ôm bụng cười. Vì khuyết điểm này mà năm ngoái Thành không được bầu làm lớp trưởng mặc dù rất tâm huyết với việc chung của lớp.
Từng gặp những tình huống khó xử khi phải loại hồ sơ của một số sinh viên mới tốt nghiệp có năng lực nhưng chỉ vì lỗi viết sai chính tả hoặc phát âm sai, bà Bích chuyên viên nhân sự một công ty du lịch tại TP HCM cho biết, đặc thù của công việc hàng ngày phải giao tiếp với khách nên nếu nhân viên nói ngọng sẽ để lại ấn tượng không tốt, ảnh hưởng đến uy tín công ty.
"Không biết thực lực của các em đến đâu nhưng khi nói chuyện mà phát âm sai như thế nghe chói tai lắm, khách sẽ nghĩ là công ty không chuyên nghiệp", bà Bích nhìn nhận.
Theo Thi Trân
(vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)