Chỉ 40/2.000 hồ sơ dự tuyển được Intel tiếp nhận. Đến năm 2012, chỉ đáp ứng 50% nhu cầu cho các ngành công nghiệp quan trọng
Bảy tháng đầu năm 2008, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đăng ký vào VN đã đạt con số kỷ lục 45 tỉ USD. Điều đó chứng minh các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tin tưởng vào sự phát triển củto khoa nền kinh tế VN. Tuy nhiên, khi đầu tư nước ngoài gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, xu hướng chuyển dịch cơ cấu các ngành nghề theo hướng ưu tiên phát triển các ngành sản xuất công nghiệp hiện đại thì tình trạng thiếu hụt lao động – nhất là lao động kỹ thuật, ngày càng trở nên trầm trọng.
Nhìn từ Intel…
Năm 2009, Công ty Intel Products Việt Nam (gọi tắt là Intel) chính thức đi vào hoạt động. Để chuẩn bị lực lượng lao động dự kiến khoảng 4.000 người, từ năm 2007, Intel đã tìm kiếm, tuyển dụng, liên kết đào tạo với các trường đại học, dạy nghề. Đến giữa năm 2008, khoảng 2.000 hồ sơ dự tuyển được Intel tiếp nhận. Nhưng kết quả chỉ có 40 ứng viên được chấp nhận. Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Intel, cho biết với khoảng thời gian còn lại quá ít, chắc chắn Intel sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều nhà đầu tư, cả nước ngoài lẫn trong nước, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực như Intel. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng Phòng Hành chánh – Nhân sự Công ty SSG Việt Nam, cho biết năm 2008, công ty cần 250 lao động, trong đó 108 lao động có trình độ trung cấp, số còn lại có trình độ đại học. Tuy nhiên, dù tốn công sức tìm kiếm với hàng loạt chính sách đào tạo, trả lương cao…, công ty vẫn không tuyển đủ người. Từ nay đến năm 2015, SSG Việt Nam cần 15.000 lao động, trong đó có thợ bậc 3/7 và kỹ sư các ngành hóa, cơ khí, điện, điện tử… Chắc chắn sẽ không dễ gì tìm được số lượng lớn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật như thế. Bà Lâm Quỳnh Chi, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Sonion Việt Nam, cũng cho biết từ nay đến cuối năm 2010, công ty cần khoảng 100 lao động kỹ thuật. Tuy số lượng không nhiều, nhưng cũng không dễ gì tìm ra.
Ngành nào, DN nào cũng thiếu
Theo số liệu vừa công bố của Bộ LĐ-TB-XH, từ năm 2008 đến 2012, nhu cầu lao động kỹ thuật của các tập đoàn công nghiệp Việt Nam (như dầu khí, than – khoáng sản, Vinashin…) tăng mạnh. Trong đó, ngành công nghiệp đóng tàu cần khoảng 47.000 lao động kỹ thuật; ngành hàn cần 10.600 lao động; công nghiệp ô tô và tự động hóa cần từ 150.000 – 300.000 lao động có trình độ từ trung cấp trở lên. Tuy nhiên, khả năng đào tạo chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Chưa kể các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cũng đang cần một lượng lớn lao động kỹ thuật tay nghề cao.
Về tổng thể, nhu cầu lao động kỹ thuật sẽ tăng mạnh ở các ngành nghề. Các nhà đầu tư đòi hỏi một lực lượng lao động được đào tạo bài bản, có hàm lượng chất xám và tay nghề chuyên môn cao. Đây cũng là lý do mà một số chuyên gia kinh tế cho rằng con số đầu tư FDI đăng ký kỷ lục vừa qua tuy là một tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn. Còn nhớ, năm 2007, vốn FDI đăng ký 20,3 tỉ USD, nhưng thực hiện chỉ đạt 4,6 tỉ USD. Một trong những lý do làm chậm tiến độ giải ngân là do các nhà đầu tư lo ngại không đủ nhân lực sau khi dự án đi vào hoạt động.
Chờ là… chết
Vấn đề đang được bàn thảo nhiều nhất hiện nay là chất lượng lao động qua đào tạo không đáp ứng yêu cầu. Theo một kết quả khảo sát của Công viên Phần mềm Quang Trung, 72% ứng viên thiếu kinh nghiệm, 46% thiếu kiến thức chuyên ngành, 42% không biết làm việc theo nhóm, 28% thiếu tự tin. Ông Rich Howarth, Tổng Giám đốc Công ty Intel, nhìn nhận chỉ 40 người được sàng lọc từ 2.000 hồ sơ dự tuyển phản ánh chất lượng đào tạo ở Việt Nam chưa ổn.
Trong tình hình trên, để tồn tại, các DN không còn cách nào khác phải chủ động đầu tư phát triển nhân lực. Trên 50% lao động tại Công viên Phần mềm Quang Trung phải đào tạo lại trên 3 tháng; 15% được đào tạo từ 1-3 tháng. Ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kinh Đô, cho biết hiện công ty có hơn 10.000 lao động, nhưng hầu hết đều phải đào tạo lại, ít nhất từ 1-3 tháng. Để có 500 lao động cho nhà máy thứ hai sẽ khánh thành vào cuối năm 2009, từ nhiều tháng qua, Công ty CP Giấy Sài Gòn đã triển khai việc tìm kiếm nhân lực cho tất cả các bộ phận. Theo ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT công ty, nếu ngồi chờ thì chỉ có nước… chết!
“Xài chùa” lao động Theo chương trình, mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm đến năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo là 45%. Để đạt được tỉ lệ này, chất lượng và quy mô các trường dạy nghề phải được cải thiện mạnh mẽ. Trước mắt, quy mô dạy nghề sẽ phải tăng 10%/năm để đến năm 2010 có tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%. Mạng lưới dạy nghề sẽ được phủ rộng, số trường cao đẳng tăng gấp đôi, lên 120 trường (trong đó có một trường đạt trình độ tiên tiến thế giới, 5 trường đạt tiên tiến khu vực) và 250 trường trung cấp nghề. Các chương trình khung cao đẳng nghề, trung cấp nghề và giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo nghề được chuẩn hóa. Thế nhưng tại buổi làm việc của HĐND TPHCM với các trường nghề tổ chức mới đây, các trường nghề đều “kêu”: Hiện nay các trường rất thiếu thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Ông Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, nhấn mạnh: Cần có sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN). Được vậy, người học mới yên tâm khi có tay nghề vững, chắc chắn sẽ có việc làm. Thế nhưng, có một thực tế là hiện nay rất ít DN quan tâm đến việc phối hợp với nhà trường để đào tạo nghề dù luôn nói “nguồn nhân lực là quan trọng nhất”. Một thói quen vẫn còn tồn tại trong nếp nghĩ của nhiều DN: Thích “xài chùa” lao động! N. Huỳnh |
Huỳnh Nga (Báo NLĐ)
Bình luận (0)