Để có được sân chơi như thế này vào mỗi dịp hè là rất khó. Ảnh: V.M |
Năm nào cũng vậy cứ đến dịp hè là các phụ huynh học sinh (HS) TP.HCM lại đỏ mắt tìm sân chơi cho trẻ. Thời điểm này mới vào đầu hè nhưng phụ huynh đã thấp thỏm lo âu cho chỗ chơi của con em mình.
Thiếu sân chơi hè cho trẻ
Hà Ngọc Anh, HS lớp 6 Trường THCS Chi Lăng (Q.4) thổ lộ: “Năm nào cũng vậy cứ đến hè là ba mẹ em bắt em ở nhà hay đi học hè vì không tìm đâu ra chỗ chơi cho em. Ngoài thời gian đi học, thời gian còn lại em cũng không biết làm gì ngoài xem ti vi. Vẫn biết như thế là không tốt nhưng đó là cách mà ba mẹ chọn cho em”. Anh Thiện phụ huynh của Ngọc Anh lý giải: “Không phải là chúng tôi bắt ép cháu phải đi học hè hay nhốt cháu ở nhà, nhưng ở đây tìm mỏi mắt cũng không có sân chơi nào phù hợp cho cháu. Vợ chồng tôi là công nhân, đi làm từ sáng đến tối nên không có thời gian đưa cháu đi chơi. Còn để cháu tự đi thì cháu lại theo bạn ra quán internet, hay đá banh ngoài đường rất nguy hiểm”.
Gặp em Trần Anh Kiệt, HS lớp 9 Trường THCS Phước Long (Q.9) khi em đang mải miết với những trận chiến trên internet. Gặng hỏi Kiệt chia sẻ: “Ở quận 9 cũng có Nhà thiếu nhi, nhưng giờ lớn rồi em không thích vào đó. Còn thỉnh thoảng ở khu phố cũng tổ chức sinh hoạt Đoàn – Đội, nhưng nửa tháng mới có một lần. Vì vậy hơn hai năm nay cứ nghỉ hè là em ra tiệm internet nhà chú vừa chơi game online vừa để trông tiệm cho chú”.
Thời điểm này, các trường mới bắt đầu nghỉ hè nhưng các bậc phụ huynh đã phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ cho con em mình chơi hè, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để tìm đến những lớp học mắc tiền. Mặt khác nếu có thì chỉ vào các trung tâm, nhà văn hóa quận huyện, ở những nơi này vào dịp hè thì luôn trong tình trạng quá tải. Chị Minh Hằng (KP.5, P.15, Q. Bình Thạnh) bức xúc: “Tôi muốn tìm một chỗ chơi cho mấy đứa nhỏ vào các ngày nghỉ cuối tuần còn tìm đỏ cả mắt nữa huống hồ là suốt mấy tháng hè. Mấy đứa trẻ nhà tôi ngoài việc đến trường học thì chẳng còn biết đi đâu chơi nữa. Lâu lâu vào thứ bảy, chủ nhật vợ chồng tôi cũng chỉ biết dẫn các cháu đến siêu thị, hay nhà sách dạo một vòng rồi về. Bây giờ nghỉ hè, chúng tôi còn khổ hơn vì ngoài thời gian đi học thêm thì ở nhà ông bà cũng không quản lý nổi các cháu. Đứa thì suốt ngày dán mắt vào ti vi, đứa thì cặm cụi ở quán internet”.
Nghịch lý thiếu – thừa
Tại TP.HCM có hơn 100 trung tâm, nhà thiếu nhi lớn thường xuyên tổ chức cho trẻ chơi vào dịp hè. Trong khi đó hiện nay số trẻ trong độ tuổi 4-16 tuổi tại TP.HCM lên đến hàng trăm ngàn người thì chỗ chơi cho trẻ chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Nếu phụ huynh muốn thì phải đăng ký trước hàng tháng trời vì nơi nào cũng bị quá tải. Nhà thiếu nhi quận 9 là một địa điểm tổ chức vui chơi cho các em thiếu nhi có hiệu quả, cơ sở vật chất tốt, mặt bằng rộng so với các trung tâm ngoại thành khác nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu chơi của trẻ. Thiếu sân chơi để chạy nhảy, vui đùa, cho nên những con hẻm nhỏ tại các khu dân cư trở thành điểm tụ tập ồn ào của các em nhỏ trong ngày hè. Không có sự trông coi, quản lý, bảo ban của người lớn, nhiều cuộc chơi của các bé thường xuyên kết thúc bằng các màn đánh đấm, cãi lộn, ẩu đả và cả những tai nạn thường nhật. Trong khi đó một nghịch lý là hiện nay TP.HCM mỗi khu phố, ấp văn hóa phần lớn đều dành riêng cho các em khu vui chơi, đọc sách… nhưng lại chưa được khai thác, nếu có thì chỉ khai thác “nửa vời” nên không thu hút được các em vào hoạt động tại những nơi này.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho rằng: “Dù kinh tế dần dần đi lên, nhưng sẽ thật sai lầm nếu ai đó bỏ tiền mua sắm những đồ chơi hiện đại, tạo sân chơi cho con em mình trong bốn bức tường. Cái các em cần không phải là sân chơi đơn độc, lẻ loi mà là một sân chơi mang tính tập thể. Những năm gần đây, năm nào Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em” đặc biệt hỗ trợ kinh phí và tổ chức cho các em có hoàn cảnh khó khăn chơi hè. Song song đó Sở thường xuyên tổ chức Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu…Việc đó cần thiết, nhưng nó chỉ mang tính thời điểm. Điều các em mong đợi là một sự quan tâm thường xuyên, đảm bảo cho các em quyền được vui chơi, bổ ích và an toàn, điều đó chỉ có từ sự quan tâm của gia đình, xã hội”.
Văn Mạnh
Bình luận (0)