Đó là vấn đề bức xúc được nêu ra tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học y, dược Việt Nam lần thứ IX vừa tổ chức tại Đà Nẵng. Nhất là trong tình trạng hiện nay rất khan hiếm bác sĩ nhi, lao, tâm thần…
Khan hiếm bác sĩ nhi, lao…
“Nhất y, nhì dược” câu châm ngôn cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh trước mùa chọn trường thi của con em hẳn không phải là không có lý nhất là trong khi nguồn nhân lực về y, bác sĩ nước ta luôn trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Tại hội nghị, đại diện các trường đã nêu ra thực trạng này, trong đó đặc biệt là thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa về lao, tâm thần, ung bướu, nhi, truyền nhiễm… có chuyên môn tay nghề cao.
Bà Nông Thị Ngọc Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng bày tỏ bức xúc trước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành y, nhất là tuyến huyện, phường-xã; đặc biệt với một số chuyên khoa như: tâm thần, lao, giám định pháp y, y tế dự phòng, y học dân tộc, HIV/AIDS… Đối với ngành dược, Đà Nẵng cũng hết sức lúng túng khi muốn triển khai trên diện rộng mô hình thực hành Nhà thuốc GPP (Good Pharmacy Practices – nhà thuốc tốt, có đủ tiêu chuẩn hoạt động). Theo lộ trình, các nhà thuốc mới bắt buộc phải đạt chuẩn GPP từ ngày 1-1-2011. Tuy nhiên việc triển khai quy định này tại TP. Đà Nẵng còn nhiều bất cập, doanh nghiệp bối rối. Thống kê của Sở Y tế Đà Nẵng, tính đến đầu tháng 3-2011 chỉ có 93/377 nhà thuốc bán lẻ tại TP. Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn GPP theo quy định của Bộ Y tế (chiếm 25%), 284 quầy còn lại chưa đăng ký kiểm tra, làm hồ sơ thẩm định. Đáng nói là vẫn còn 3 nhà thuốc tại Bệnh viện C Đà Nẵng, các trung tâm y tế quận Cẩm Lệ, Thanh Khê chưa đạt chuẩn GPP theo quy định. Nguyên nhân, theo quy định, nhà thuốc GPP phải có dược sĩ đại học đứng quầy. Tuy nhiên, vấn đề thiếu dược sĩ đang là nỗi khó khăn ngay tại các nhà thuốc bệnh viện, do vậy ở các nhà thuốc tư nhân khó tuyển đủ dược sĩ để đứng quầy.
Một bác sĩ/ ngàn người dân
Báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế cho thấy, tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng đang diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh nghèo. Hiện nay, cả nước có tới 124 huyện dưới 10 bác sĩ (BS), 44 huyện dưới 5 BS. Đặc biệt các thị xã Đồng Xoài (Bình Phước), Mường Lay (Điện Biên) và huyện Phú Thiện (Gia Lai) chỉ có 1 BS. Đó là chưa kể đến năng lực y tế tuyến bệnh viện huyện còn yếu, nhiều nơi trang thiết bị xuống cấp, lạc hậu. Một số bệnh viện huyện được các chương trình dự án hoặc các tổ chức quốc tế trang bị máy móc thiết bị y tế nhưng qua thời gian nó được xem như “vật trang trí” vì không có cán bộ y tế đủ trình độ sử dụng. Ngoài ra, sự chênh lệch về thu nhập ở các tuyến tạo xu hướng dịch chuyển cán bộ có tay nghề cao, chuyên môn giỏi từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ công lập ra dân lập. Bên cạnh đó, một số huyện miền núi như Hướng Hóa (Quảng Trị), lương thạc sĩ y học không bằng “lương”… sinh viên… Tồn tại đó dẫn đến năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tuyến dưới không đáp ứng đủ, người dân vượt tuyến lên khám ở các bệnh viện tỉnh, trung ương, tạo sự quá tải.
“Để giải quyết thực trạng này, các tỉnh rất cần hỗ trợ kinh phí cho cán bộ y tế tuyến dưới đi học, đồng thời mở các lớp đào tạo ngay tại địa phương để rút ngắn thời gian, kinh phí cho người học”, ông Thuận yêu cầu.
Phan Vĩnh Yên
“Phải nhanh chóng đổi mới cơ chế tài chính y tế, gắn mạnh hơn nữa việc đào tạo ngành y với nghiên cứu khoa học. Làm được hai việc này ngành y tế mới phát triển được”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)