Không ít gia đình điêu đứng vì tham gia liên kết hoạt động Uber khi đơn vị này chưa được cấp phép cũng như thị phần bị chia nhỏ.
Ông Nguyễn Lê Hùng đang lo khi số tiền vay ngân hàng quá lớn trong khi thu nhập từ chạy Uber chẳng bao nhiêu. Ảnh: T.A |
Gồng mình trả nợ ngân hàng
Cuối năm 2016, ông Nguyễn Lê Hùng (ngụ đường Nguyễn Công Hoan, Q.Phú Nhuận) gom hết tiền tích lũy, vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng để mua chiếc xe Mazda 5 trị giá hơn 1 tỷ đồng tham gia chạy Uber. Tưởng dễ ăn như anh và nhiều người từng nghĩ nhưng sau một tháng liên kết hoạt động anh mới thốt lên: “Chua như giấm”.
Anh Hùng kể: “Chạy 3 cuốc thu nhập hơn 200 ngàn nhưng ôm cái giấy phạt nặng gấp mấy lần vì xe không đăng ký kinh doanh vận tải, không ký hợp đồng. Bỏ ra hàng trăm triệu đồng giờ thấp thỏm lo tiền nợ ngân hàng”.
Được biết, trước đó anh Hùng lái xe cho một công ty xây dựng với mức lương xấp xỉ 10 triệu đồng nhưng anh bỏ ngang chỉ vì “làm chủ sướng hơn”.
Cũng như giải thích của anh Hùng, ông Nguyễn Văn Cư (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho rằng biết Uber chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn tham gia bởi rất dễ kiếm tiền. Ngoài chiếc xe 4 chỗ nhàn rỗi, ông Cư vay ngân hàng mua thêm chiếc Toyota Fotuner để kinh doanh, tuy nhiên những rắc rối phát sinh khiến ông chán nản. Hiện tại ông Cư phải rao bán chiếc xe để trả nợ ngân hàng chứ không thể trùm mền chờ được cấp phép và chờ đến ngày đóng lãi suất. Ông Cư cho biết, hiện nay các hãng taxi truyền thống có dòng xe VIP phục vụ một bộ phận khách hàng mà giá cước cũng không chênh lệch mấy so với Uber hay Grap khiến thị phần của Uber cũng như Grap bị chia nhỏ.
Tham gia Uber hơn một năm nay, anh Nguyễn Văn Thành (hẻm 34 Nguyễn Thượng Hiền, P.5, Q.Bình Thạnh), cho biết: “Những tháng đầu thu nhập cũng đủ sống, không đến nỗi tệ lắm. Tuy nhiên, mình cầm tài thì ổn chứ thuê tài xế phải lấy tiền nhà để trả. Gần đây, do nhiều xe quá nên có khó khăn. Khi khó quá, tôi tắt đồng hồ Uber chuyển sang chạy Grap nhưng cũng trong tình trạng ngồi ngáp chờ khách”.
Đến nay, anh Thành đã tìm đường bán xe, chấp nhận lỗ nặng để chuyển công việc khác. Đây cũng là lý do khiến nhiều người dở khóc dở mếu khi trót đầu tư vào Uber.
Trên thực tế Uber và Grap có giá cước thấp hơn taxi truyền thống, tuy nhiên tùy vào thời điểm cũng như quãng đường mà xe đến đón. Theo đó, những ngày cao điểm thiếu xe, tổng đài điều xe từ Q.7 sang Q.1 để đón khách thì giá cước sẽ cao hơn để động viên tài xế. “Có những lúc giá cước của Uber lại cao hơn taxi truyền thống bởi cách tính nhân giá của doanh nghiệp vào mỗi thời điểm để cải thiện thu nhập cho tài xế”, anh Thành nói.
Cấm… vì hoạt động chui
Theo TS. Vũ Đình Hòa (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), việc cấm Uber hoạt động ảnh hưởng đến một bộ phận người được hưởng lợi từ dịch vụ vận tải giá rẻ, tiện lợi. Tuy nhiên, Uber hoạt động chui, không đóng thuế cho Nhà nước đã tạo ra sự không công bằng trong kinh doanh nên cấm là đúng. Phải khẳng định rằng, Grap, Uber đều là loại hình kinh doanh mới, quản lý vận tải tiến bộ phát triển mạnh tại các nước châu Âu và châu Á. Tại Việt Nam, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM… cũng cần có dịch vụ vận tải này. Tuy nhiên, phía Uber Việt Nam phải hội đủ mọi thủ tục, tuân thủ các quy định về luật, thuế… và xin giấy phép hoạt động để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Cũng theo ông Hòa, Uber vào Việt Nam không được cấp phép nhưng ồ ạt phát triển, dẫn chứng là có quá nhiều cá nhân, đơn vị tham gia liên kết hoạt động. Tình trạng ùn tắc giao thông, hạ tầng giao thông tại TP.HCM không còn phù hợp nữa một phần cũng do sự bất lực trong quản lý của cơ quan chức năng. “Tùy điều kiện thực tế của TP.HCM mà cơ quan chức năng cần có những quy định chặt chẽ đối với hoạt động này, cụ thể là quy định về số lượng xe, loại xe, tiêu chí phục vụ…”, ông Hòa kiến nghị.
Theo luật sư Trần Thảo Quyên (Đoàn luật sư TP.HCM), đến thời điểm này, Uber chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, chủ xe tham gia chạy Uber mà không đăng ký kinh doanh vận tải hay hợp đồng với đối tác được xem là hoạt động chui, nếu phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính. Hơn nữa, Việt Nam chưa chấp thuận ủy quyền cho Uber Việt Nam (công ty con) thực hiện các hợp đồng thay Uber Hà Lan, tức công ty mẹ. Chính vì vậy sẽ có những rắc rối phát sinh liên quan đến hợp đồng, doanh thu phải làm việc với Uber Hà Lan nên cá nhân tham gia Uber phải cân nhắc.
Trước đó, Uber cũng đã trình đề án thí điểm hoạt động như Grap nhưng thực tế ngành nghề đăng ký kinh doanh của Uber là chức năng tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận.
T.Anh
Bình luận (0)