Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đổ mồ hôi, chớ coi thường!

Tạp Chí Giáo Dục

Mồ hôi có nhiệm vụ làm mát cơ thể, tuy nhiên, khi mồ hôi ra quá nhiều là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề đang xảy ra trong cơ thể, theo Prevention.

Đổ mồ hôi, chớ coi thường! - ảnh 1Mồ hôi ra quá nhiều cũng là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề của sức khỏe – Ảnh: Shutterstock
Mang thai hoặc mãn kinh
Bất cứ sự thay đổi nội tiết tố nào cũng đều có thể khiến bạn cảm thấy ẩm ướt hơn so với bình thường. Theo các chuyên gia y tế, 85% phụ nữ có hiện tượng nóng bừng và đổ mồ hôi quá mức trong khoảng thời kỳ mãn kinh hoặc khi mang thai. Nguyên do, những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể thông báo đến não rằng, nhiệt độ cơ thể tăng cao, nên cần phải làm mát thường xuyên, vì lý do đó nên mồ hôi tuôn ra như một phản ứng bình thường.
Stress
Mồ hôi có xu hướng đổ nhiều khi bị căng thẳng hay lo lắng. Lúc bình thường, khi thời tiết nóng, những giọt mồ hôi sản xuất ra từ các tuyến eccrine trên khắp cơ thể, chứa chủ yếu nước và muối; nhưng khi căng thẳng, mồ hôi được sản xuất bởi tuyến apocrine, mà chủ yếu được tìm thấy ở một số vùng như nách.
Loại mồ hôi do căng thẳng chứa chất béo, protein kết hợp với các vi khuẩn trên da nên thường có mùi hôi hơn so với lúc bình thường.
Đang hạnh phúc hoặc sợ hãi
Thật kỳ lạ, những người xung quanh có thể cảm nhận được tâm trạng của bạn thông qua mùi mồ hôi.
Một thử nghiệm trên 36 phụ nữ sau khi cho họ ngửi mẫu mồ hôi của 12 người đàn ông đã đưa đến kết luận, khi ngửi mồ hôi của người đàn ông mà họ không thích, biểu hiện trên khuôn mặt của họ giống như sợ hãi. Nhưng, khi ngửi mùi mồ hôi của người đàn ông mà họ thích, khuôn mặt họ trông rất thoải mái và hạnh phúc.
Từ đó, các nhà khoa học kết luận, chị em ngửi mùi mồ hôi của người yêu đang hạnh phúc thì bản thân cô ấy cũng mỉm cười và hạnh phúc theo.
Nguy cơ say nắng
Thời tiết nóng gây đổ mồ hôi. Thế nhưng, nếu bạn không đổ mồ hôi và bắt đầu cảm thấy chóng mặt có nghĩa là bạn đang mắc phải bệnh Anhidrosis – giảm tiết mồ hôi. Đó là một căn bệnh nguy hiểm, ngăn cản cơ thể giảm nhiệt, nếu không bù nước kịp thời, nguy cơ kiệt sức vì nóng hoặc say nắng sẽ xảy ra.
Nếu hiện tượng Anhidrosis kéo dài thì có khả năng do tổn thương thần kinh hay do tác dụng phụ của một vài loại thuốc hoặc mắc bệnh di truyền… Tất cả các yếu tố này dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về nhiệt và các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch.
Đổ mồ hôi, chớ coi thường! - ảnh 2Nếu không bù nước kịp thời, nguy cơ kiệt sức vì nóng hoặc say nắng sẽ xảy ra – Ảnh: Shutterstock 
Đường trong máu thấp
Theo Prevention, bình thường, lượng đường trong máu ở mức giữa 70-100 miligram trên mỗi decilít. Nếu lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70 (cho dù bệnh tiểu đường hoặc tập thể dục vất vả), bạn vẫn cảm thấy các hiệu ứng, mà điển hình là việc tiết mồ hôi quá nhiều, đặc biệt là ở phía sau cổ. Kéo theo sau hiện tượng đổ mồ hôi là nhịp tim tăng lên kèm các triệu chứng chóng mặt, run rẩy, buồn nôn nhẹ và nhìn mờ.
Ăn thực phẩm “xấu”
Nếu mùi mô hôi trở nên khó chịu, đặc biệt có mùi tanh, có thể bạn đã mắc chứng rối loạn di truyền hiếm gặp được gọi là Trimethylaminuria. Chứng bệnh này xảy ra khi cơ thể không thể phá vỡ các hợp chất hóa học trimethylamine, được sản xuất trong quá trình tiêu hóa các loại thực phẩm như trứng, các loại đậu và cá.
Hợp chất hóa học trimethylamine sẽ thoát ra cùng với mồ hôi trên da, nước tiểu và hơi thở, tạo ra mùi tanh rất khó chịu.
Bệnh hyperhidrosis – tăng tiết mồ hôi
Nếu không thể tìm thấy một lời giải thích nào cho việc mồ hôi ra quá nhiều, ngay cả khi đang ngồi trong phòng máy lạnh, bạn có thể bị một tình trạng gọi là hyperhidrosis – tăng tiết mồ hôi. Tăng tiết mồ hôi có khả năng do di truyền, phụ thuộc vào nơi tiết mồ hôi.
Bệnh lympho – ung thư hạch
Hyperhidrosis cũng có thể là tác dụng phụ của một số điều kiện, bao gồm bệnh gút, cường giáp và Parkinson, nhưng không đáng lo ngại bằng việc mắc bệnh lympho.
Theo các chuyên gia, mồ hôi ra quá nhiều có thể là một triệu chứng của ung thư hạch, hoặc ung thư của các tế bào bạch huyết. Khoa học vẫn chưa tìm ra lý do tại sao bệnh ung thư hạch lại gây đổ mồ hôi, nhưng một lý thuyết được đặt ra là có thể do bệnh gây sốt nên các bộ phận cơ thể phải toát mồ hôi để giảm nhiệt.

Ngọc Khuê (TNO)

Bình luận (0)