Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổ trộm chất thải: Phải phạt người có tóc

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 5-4-2010, một chiếc xe tải bật nắp ben để 15 tấn bùn đất rơi vãi khắp mặt cầu Chương Dương gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Khi cảnh sát can thiệp, lái xe tìm cách trốn.

Ảnh minh họa

Việc đổ xà bần ra đường, xuống hồ, xuống sông là chuyện cơm bữa ở Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng rối vì vấn nạn tương tự. Các sở Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Y tế, chính quyền địa phương và nhân dân vào cuộc. Hết hô hào ý thức công dân, đến tăng tiền phạt, nhưng đâu vẫn đấy. Tại sao vậy?

Học được gì
Việc chở xà bần đi đổ ở đâu khi sửa nhà, đập nhà cũ xây nhà mới, hay đổ phế thải ở đâu, như thế nào, tưởng là chuyện nhỏ, nhưng thực ra lại là một việc rất quan trọng trong quản lý đô thị.
Trước tiên đấy là việc chính quyền địa phương. Lẽ ra cần có quy hoạch, tổ chức việc này một cách chuyên nghiệp, có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan (chủ đầu tư, các tổ chức dịch vụ, các tổ chức liên quan, các bãi đổ), về các khuyến khích (phí, phạt, thưởng, biện pháp chế tài), và thường xuyên đánh giá, sửa đổi cho ngày càng hữu hiệu và chuyên nghiệp hơn.
Có lẽ do coi là chuyện nhỏ nên tình hình mới rối ren, kéo dài, xuất hiện ở mọi thành phố lớn và ngày càng trầm trọng thêm.
Không rõ chính quyền địa phương có giao trách nhiệm này (cùng với quyền hạn) cho một đơn vị cụ thể nào không? Có chọn đúng người để giao lãnh đạo đơn vị ấy không? Hay chẳng giao cho ai cả hoặc giao chung chung và đơn vị nào cũng có thể đổ cho kẻ khác? Chắc chắn họ đã cử nhiều đoàn, tiêu nhiều tiền của dân, để đi nghiên cứu các thành phố quốc tế và khu vực xem họ tổ chức ra sao. Nhưng họ học được gì?
Tôi nghĩ chắc có rất nhiều kinh nghiệm có thể học được. Thế thì vì sao tình hình quản lý đô thị nói chung, và quản lý việc chuyên chở và đổ chất thải nói riêng, lại vẫn tồi tệ đến vậy ở tất cả các thành phố lớn? Tôi không biết hết các nguyên nhân, song nguyên nhân chính có lẽ là ở tính kém chuyên nghiệp của chính quyền địa phương và sau đây chỉ góp ý sơ về việc này.
Phân rõ trách nhiệm và quyền hạn gắn với công việc quản lý đó cho một (và chỉ một) đầu mối chính, là việc đầu tiên. Mỗi việc chỉ có một chủ chính và không thể có nhiều, để tránh tình trạng cha chung không ai khóc. Tuyển đúng người để giao phụ trách công việc ấy. Đấy là nguyên lý sơ đẳng. Ông chủ chính đó phải phối hợp với những người khác nhưng không thể chỉ tay sang người khác.
Việc của thị trưởng
Ông chủ này sẽ đòi quyền và nguồn lực, phải trao quyền quyết định và nguồn lực (trong phạm vi có thể) cho họ để họ hoàn tất trách nhiệm và tạo mọi điều kiện cho họ đưa ra sáng kiến và thử nghiệm.
Đánh giá chỉ dựa vào thành tích (trong trường hợp này: không có hiện tượng đổ bậy chất thải), nếu làm tốt thì khen thưởng, tăng lương, cất nhắc, và ngược lại thì giảm lương, thậm chí sa thải. Đấy là việc của ông thị trưởng.
Đơn giản quá phải không? Nhưng người ta đâu có làm theo sách vở như vậy. Ông thị trưởng đâu có quyền đến vậy, bộ tứ hay bộ tam còn siết tay ông. Và ông cũng thường xía vào công việc vụn vặt của ông giám đốc sở, thậm chí của một chuyên viên, nên luôn tất bật, bận bù đầu.
Vấn đề của tính chuyên nghiệp là ở đó. Và có thể truy đến tận lỗi hệ thống. Nhưng không trầm trọng đến vậy. Hệ thống, nếu muốn, hoàn toàn có khả năng sửa, vì chỉ kỹ năng quản trị và tính chuyên nghiệp kém mà thôi.
Thế xuống mức ông giám đốc sở thì sao? Hãy cứ gọi thủ trưởng đơn vị chính được giao công việc quản lý thu gom, đổ chất thải (và có lẽ nhiều công việc khác nữa) là giám đốc sở. Là nhà quản lý cấp trung, nhất thiết nên là một nhà kỹ trị, không phụ thuộc chính trị, không nhất thiết phải là chuyên gia về lĩnh vực cụ thể này. Ông có thể có nhân viên là chuyên gia hay thuê chuyên gia ngoài nếu cần, thậm chí cử họ đi nghiên cứu.
Nhưng cái ông phải tạo ra là các giải pháp, là quy hoạch thu gom, xử lý sao cho hữu hiệu nhất (trình cấp trên nếu vượt quá quyền của mình), là tổ chức, giám sát việc thực hiện các giải pháp và quy hoạch đó. Trong mấy trăm từ của bài này, chỉ nêu vài gợi ý.
Phải phạt người có tóc
Quy hoạch bãi đổ là việc đầu tiên. Tổ chức các đơn vị làm dịch vụ thu gom, chuyên chở là việc tiếp theo. Không nên chỉ để cho một công ty công ích đảm nhiệm. Nên có cạnh tranh và đảm bảo sao cho họ hoạt động có lời. Để được làm việc này cần phải có giấy phép con. Họ có thể đổ chất thải ở nơi quy định hay ở nơi mà đơn vị thứ ba chấp nhận bằng hợp đồng (thí dụ để san lấp mặt bằng cho bên thứ ba và có thể thu tiền). Sở phải có hợp đồng với họ.
Chủ đầu tư (gia đình, công ty bất động sản, công ty xây dựng) là người “có tóc”,  phải chịu trách nhiệm chính, và chính quyền phải nắm họ. Họ buộc phải ký hợp đồng với các tổ chức dịch vụ nêu trên để thu gom xà bần. Tính toán sao cho các chủ đầu tư nếu tự làm (phải có phép mới được làm) thì đắt hơn việc nhờ các tổ chức dịch vụ. Chỉ có thế họ mới dùng dịch vụ.
Nếu có vi phạm, thí dụ đổ trộm, thì có chế tài truy cho được chủ đầu tư là ai và phạt thật nặng chủ đầu tư đó (mức phạt không nên quy định cứng là 200.000 hay một triệu đồng một vụ mà có thể gấp nhiều lần, thí dụ 5-10 lần, chi phí khắc phục, kể cả chi phí điều tra, xác minh).
Đối với người chuyên chở, các tổ chức làm dịch vụ, cũng nên bị phạt như vậy nếu vi phạm. Thí dụ, với chiếc xe đổ bùn trên cầu Chương Dương, có thể phạt cả trăm triệu đồng, hay nếu không nộp thì có thể tịch thu xe và bán xe lấy tiền khắc phục (chưa nói đến có thể kết tội hình sự gây nguy hiểm cho giao thông).
Tính hiệu quả của việc phạt là phải phạt người “có tóc”, mức phạt phải gấp nhiều lần chi phí khắc phục. Nếu người vi phạm không có khả năng trả thì phải buộc họ đi làm lao công một số ngày nhất định hay trực tiếp khắc phục hậu quả và vẫn phải làm lao công một số ngày.
Làm thế chắc việc đổ chất thải sẽ đi vào nề nếp.
Theo Nguyễn Quang A / TPO

Bình luận (0)