Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đổ vỡ vì những tật xấu sau khi cưới

Tạp Chí Giáo Dục

Hạnh phúc của bố mẹ là niềm vui của con cái (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: H.D

Hiện nay, tình trạng ly hôn ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả thăm dò của các nhà nghiên cứu thì trong tổng số các vụ ly hôn, có 20% là vợ chồng son trẻ (dưới 35 tuổi), 75% là vợ chồng trung niên (từ 35- 60 tuổi) và 5% là vợ chồng cao tuổi (trên 60). Trong đó, một trong những nguyên nhân ly hôn của các gia đình trẻ là bị sụp đổ vì những tật xấu của chồng (hoặc vợ) phát sinh sau khi kết hôn.
Khi “hình tượng” bị sụp đổ
Ở những cặp vợ chồng trẻ, nguyên nhân ly hôn có thể do sự hụt hẫng, thất vọng khi đối mặt với thực tế phũ phàng: tính cách của người chồng (hay của người vợ), hồi nào khi mới là người tình của nhau, sao không thấy có những điều bất cập. Sau khi kết hôn thành chồng vợ, bắt đầu làm cha, làm mẹ, lúc đó nhiều tính xấu mới “trương” ra. Anh Nguyễn Hoàng, 32 tuổi, kỹ sư xây dựng, phong độ lịch lãm. Chị Kim Anh, 28 tuổi, nhân viên kế toán, xinh đẹp giỏi giang. Họ đã có ba năm tìm hiểu nhau trước khi kết hôn. Nhưng chỉ sau một năm thành vợ chồng, có một cô con gái 6 tháng tuổi, chị Kim Anh lại đệ đơn ra tòa. Chị kể trong nước mắt về những hành vi của chồng mà trong thời gian tìm hiểu, anh không hề bộc lộ: “Cứ mỗi lần anh đi nhậu say xỉn về là anh tìm cớ ghen bóng, ghen gió để đánh tôi, sau đó bắt tôi “quan hệ”, mặc cho con gái cứ khóc thét lên. Nhiều lần, tôi bị ngất khi anh đang bạo hành. Tôi đã thông cảm, hết lời to nhỏ những khi anh không có men rượu. Anh ậm ừ rồi lại chứng nào tật nấy, không hề có sự thay đổi mà còn có chiều hướng gia tăng…”. Ngược lại, anh Thanh Hùng (quận 7) thì thở dài: “Khi yêu nhau, tôi đâu có ngờ cô ấy lại vụng về đến thế. Lúc còn ở chung với gia đình chồng, đi làm về cô ấy đều lo cơm lành, canh ngọt, nhà cửa gọn gàng. Đến lúc ra ở riêng thì chao ôi, bữa cơm cô ấy không thèm dọn mâm bát gì hết, đưa cho cha con tôi mỗi người một tô, bỏ chung nào là cá, thịt, rau… bê lên vừa ăn vừa xem ti vi cho tiện. Nhiều lần bạn bè đến nhà chơi, cô ấy cũng làm thế khiến tôi “mất mặt” vô cùng. Tôi góp ý thì cô ấy cho rằng “ăn uống chỉ là phương tiện, không nên tốn nhiều thời giờ cho nó, muốn ngon đã có nhà hàng…”. Thêm nữa, nhà cửa thì bê bối, mỗi thứ một nơi, đến khi muốn tìm cái gì thì “điên đầu”… Về chuyện này, cô ấy cũng biện luận “ở cơ quan đã rất gò bó rồi, về nhà phải được thoải mái”. Tần suất cự cãi, giận nhau cứ dày lên và tôi đành chọn giải pháp chia tay…”. Thời gian qua, báo chí cũng khá ồn ào trước chuyện chia tay của đôi vợ chồng nhạc sĩ H. và nữ ca sĩ N. xinh đẹp, hát hay. Trước khi tiến đến hôn nhân, họ có gần mười năm dài yêu nhau. Thế nhưng, cưới được hai năm, anh không còn màng đến chuyện sáng tác ca khúc cho vợ hát, việc đưa đón vợ đi hát cũng “lơ” luôn. Theo ca sĩ N. thì chồng cô đã phản bội mình, có người tình mới và ngày càng lún sâu vào những thú tiêu khiển không lành mạnh. Dù rất đau khổ nhưng tìm lối thoát cho cả hai là biện pháp tốt nhất. Cô giáo trẻ M.T (quận Gò Vấp) kể: “Tôi về làm dâu trong một gia đình có “tam đại đồng đường” chung sống. Tôi là con dâu trưởng, nhà không có người giúp việc, đi dạy về là đủ mọi chuyện đổ lên đầu: chợ búa, cơm nước, lau nhà, rửa chén. Lúc đầu, anh còn phụ giúp tôi, nhưng về sau, anh bỏ mặc tôi thản nhiên lên lầu đọc báo, xem ti vi. Hồi mới yêu nhau, anh hứa chỉ để tôi làm dâu một thời gian là hai vợ chồng sẽ ra riêng. Nhưng giờ nhắc lại, anh gạt phắt đi: “Tôi là con trưởng, tôi có thể bỏ vợ chứ không bỏ bố mẹ. Với lại, bố mẹ tôi cũng không muốn rời xa cháu…”. Tôi tủi thân vì thấy mình không được chia sẻ nên quyết định phải chấm dứt tình cảnh này…”.
Phải có sự cân nhắc thật kỹ!
 “Cha mẹ ly hôn đối với con cái là một hậu quả nặng nề: tâm tính bất thường, học hành sa sút, mặc cảm, bất mãn… Vì thế, theo NGƯT Lê Minh Nga – Trung tâm Tư vấn Tâm lý Giáo dục và Tình yêu hôn nhân gia đình thì: “Trước khi quyết định ly hôn, các bậc làm cha mẹ cần phải có sự cân nhắc thật kỹ lưỡng, tự đặt cho mình những câu hỏi: Có nên giải quyết việc ly hôn vào thời điểm này? Cả hai có còn sự chịu đựng và tha thứ cho nhau hay không? Ly hôn liệu có là biện pháp tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn gia đình?… Cho nên, trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ “đối tượng” của mình, cũng như phải học tập để biết rõ tầm quan trọng của cuộc sống gia đình, về vai trò của người vợ – người chồng, trách nhiệm, bổn phận của từng người…”.
Thảo Vân
Khi “hình tượng” bị sụp đổ trong mắt mình, các ông bố, bà mẹ nên bình tĩnh, biết lựa chọn và biết tha thứ, chờ đợi nhau. Có như vậy thì dù khó khăn đến đâu cũng có thể giải quyết được vì ly hôn không phải là biện pháp tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn gia đình.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)