Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đổ xô mua Tamiflu và khẩu trang phòng cúm

Tạp Chí Giáo Dục

Lo ngại diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, nhiều người đổ xô mua thuốc Tamiflu, trang bị khẩu trang đặc hiệu chống virus cúm cho gia đình, khiến nhiều cửa hàng bán chui thuốc Tamiflu và khẩu trang được dịp nâng giá.
Hiện khẩu trang N95 chỉ cần dùng cho bác sĩ và người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H1N1.  Ảnh: Thái Hà 
Thuốc Tamilfu – cấm vẫn bán
Ghé vào hỏi mua thuốc Tamiflu tại cửa hàng thuốc số 42 Quang Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Chính, chủ cửa hàng cho biết thuốc này đã bị Bộ Y tế cấm bán trên thị trường từ lâu nên cửa hàng không có.
Nhà thuốc số 5 (phố Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội), một trong những cửa hàng nổi tiếng có nhiều loại dược phẩm cũng không bán Tamiflu vì lệnh cấm của ngành y tế.
Có mặt tại phố Ngọc Khánh (Hà Nội), trung tâm bán buôn, bán lẻ thuốc và trang thiết bị y tế lớn nhất Hà Nội, chúng tôi được chứng kiến cảnh các cửa hàng luôn nhộn nhịp người tới hỏi mua thuốc Tamiflu phòng chống cúm A/H1N1 và khẩu trang chuyên dụng.
Tại một hiệu thuốc nằm ngay giữa phố, người phụ nữ bán hàng chừng gần 50 tuổi trả lời “Không có thuốc đó, cấm rồi”. Tôi thuyết phục một lúc với lý do cần thuốc cho chuyến đi du lịch của cả nhà sang Úc trong vòng 10 ngày, người phụ nữ mới nói nhỏ “Mua bao nhiêu viên, nhiều hay ít để còn hỏi trong kho?”. Tôi trả lời “50 viên, giá bao nhiêu vậy chị?”.
Người bán hàng nhấc điện thoại, gọi cho ai đó, xong quay ra bảo tôi: “Chỉ có hàng xách tay của châu Á thôi, đảm bảo chất lượng, giá hơi cao. Nếu em mua nhiều như vậy, chị sẽ giảm giá cho một chút thôi, giá cuối là 50.000 đồng/viên”.
Thấy tôi kêu đắt, chị bán hàng bảo giá tamiflu sản xuất tại châu Âu còn cao hơn, từ 60.000-70.000 đồng/viên. Ngã giá xong, người bán hàng bảo tôi để số điện thoại, đặt cọc 100.000 đồng có hàng sẽ gọi tôi đến nhận.
Tuy nhiên khi tôi yêu cầu giấy biên nhận đặt cọc thì chị bán hàng bảo: “Không cần, tin nhau là chính. Không may lộ ra cửa hàng bán hàng cấm thì mất nghề”.
Vào một số cửa hàng tại trung tâm dược phẩm Ngọc Khánh, tôi đều nhận được lời hẹn giao hàng ngay khi có với mức giá đắt ngang ngửa hoặc cao hơn giá nói trên.
Tại một hiệu thuốc trên đường Tràng Thi, gần Bệnh viện K và Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt, người bán hàng cho biết, khoảng một tuần nay, mới thấy nhiều người tới hỏi mua Tamiflu. Người bán hàng cho biết giá bán trung bình là 300.000-350.000 đồng/hộp 10 viên.
Tuy nhiên tùy xuất xứ nước sản xuất mà giá dao động khác nhau. Nhưng những ngày qua, do nhiều người hỏi mua thuốc nên giá Tamiflu bị đẩy lên liên tục. Hiện tại cửa hàng này hết thuốc tamiflu; nếu có bán cũng phải 600.000-700.000 đồng/hộp/10 viên.
Bộ Y tế đã cảnh báo nhiều lần về việc sử dụng Tamiflu không theo chỉ định của bác sĩ sẽ gây tác dụng ngược. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó viện trưởng Viện các Bệnh truyền nhiễm & Nhiệt đới Quốc gia cho biết, do một số người dân chưa có đủ thông tin về dịch  cúm A/H1N1, phác đồ điều trị, các quy định chuyên môn nên đã tự ý tìm mua thuốc để dự phòng, điều trị không có đơn của thầy thuốc chuyên khoa.
Việc sử dụng tràn lan và không hợp lý những thuốc trên có thể làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc. Hơn nữa Tamiflu có tác dụng ức chế virus vào trong tế bào chứ không phải diệt virus nên khi có biểu hiện của bệnh mới dùng tamiflu để bảo vệ cơ thể.
Chưa phải sử dụng khẩu trang đặc hiệu trong cộng đồng
Nhiều cửa hàng trên phố Phương Mai, nơi chuyên cung cấp thiết bị y tế đều bán khẩu trang đủ loại. Hiện có ba loại khẩu trang được nhiều người tìm mua nhất là khẩu trang giấy dùng một lần, khẩu trang có than hoạt tính và khẩu trang chuyên dụng phòng chống virus, vi khuẩn đặc hiệu là N95.
Chủ cửa hàng thuốc Đông Phương (phố Phương Mai, Hà Nội) cho biết, ngày nào cũng bán tới 10 chiếc khẩu trang đủ loại. Do nhiều người hỏi mua khẩu trang nên không ít cửa hàng đã nâng giá mặt hàng này.
Khẩu trang giấy dùng một lần giá bình dân 2.000 – 2.500 đồng/chiếc nhưng bị hét giá lên gấp đôi, khẩu trang có than hoạt tính giá dao động từ 25.000-30.000 đồng/chiếc tùy thương hiệu từng loại cũng bị nâng giá lên từ năm đến bẩy nghìn một chiếc. Đắt nhất là khẩu trang N95 có nơi bán 60.000 đồng/chiếc trong khi giá thật thấp hơn khoảng 10 nghìn đồng…
TS Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng & Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, chưa cần thiết phải dùng loại khẩu trang chuyên dụng phòng chống cúm N95.
Đây là loại khẩu trang đặc hiệu thường được bác sĩ sử dụng khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc những người có biểu hiện bệnh di chuyển đến cơ sở y tế.
Ở thời điểm hiện nay, mọi người có thể sử dụng khẩu trang thông thường bằng vải, hay vật liệu khác nhưng phải đảm bảo vệ sinh.
Theo TS Nga cách tốt nhất để phòng chống bệnh trong giai đoạn này là nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Để ngăn ngừa sự lây nhiễm cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng và mũi bằng khăn tay hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi và hạn chế khạc nhổ.
Nếu trong gia đình có người bị bệnh thì chọn một người chăm sóc và chọn một khu riêng biệt cách ly người ốm khi họ có triệu chứng mắc cúm trong vòng hai mét; hạn chế tới các tụ điểm công cộng  và du lịch, công tác khi đang có dịch; đi khám nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. 
Thái Hà (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)