Bộ phim "Fallen Angels" – tựa tiếng Việt là Đọa lạc thiên sứ – được xem như tiếp nối thành công của "Trùng Khánh sâm lâm" – bộ phim đặc sắc về thân phận con người, mang đậm chất “ngông” rất Vương Gia Vệ. Dường như với Vương Gia Vệ, không có gì là không thể.
Chẳng biết nói thế nào cho đúng về Vương Gia Vệ khi đã có quá nhiều bài viết ngợi ca ông. Bởi tất cả những bộ phim ông làm đều có thể được xem như kiệt tác và khi ông chọn diễn viên nào, người đó lập tức trở thành ngôi sao màn ảnh với vai diễn để đời. Những Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Củng Lợi… đã thực sự ở đỉnh cao của nghiệp diễn với các tác phẩm của Vương Gia Vệ.
Ảnh: Internet
Khi người lớn cô đơn
Phim của Vương Gia Vệ, từ Trùng Khánh sâm lâm, Tâm trạng khi yêu… đến Đọa lạc thiên sứ (1995) đều bàng bạc nỗi niềm. Công việc, tình yêu, gia đình thời nào cũng mang dáng dấp na ná nhau qua những đoạn phim tách rời, chậm rãi, không có cao trào. Mỗi con người đều có những tâm tư, trăn trở riêng. Đọa lạc thiên sứ là câu chuyện sống, làm việc và yêu của những người lớn giữa một thành phố hoa lệ.
Những lát cắt đầy dụng ý của Đọa lạc thiên sứ càng rời rạc càng kết dính, càng chẳng có gì lại càng đầy chuyện để nói. Chỉ có thể là Vương Gia Vệ mới có thể làm được những thước phim đầy nỗi niềm một cách thần kỳ như thế. Ở đó, những phận đời tưởng chừng chẳng hề liên quan đến nhau lại rất liên quan và như vô tình lọt vào một khung hình cùng nhau.
Bộ phim để lại cho người xem nhiều nỗi day dứt về thân phận con người. Ảnh: Internet
Bộ phim chuyên chở một ý đồ xuyên suốt trong một hành trình rất bản năng: tìm kiếm những thắc mắc cho ký ức, cho thân phận, cho những cô đơn đằng đẵng của đời người. Các nhân vật miên man tìm kiếm lời giải đáp cho cuộc đời mình. Với Vương Gia Vệ, cô đơn như một món ăn khoái khẩu ông dùng để chiêu đãi khán giả. Ông bày biện ra đó như một bàn tiệc. Bàn tiệc ấy từng được ví von với đủ các món, có khai vị, món chính và cả rượu. Ở Đọa lạc thiên sứ, những lời thoại là khai vị, sự cô đơn thăm thẳm của các nhân vật là món ăn chính, các chuyện tình không đầu không cuối là men rượu cay nồng. Đây chính là một bữa tiệc mà đạo diễn họ Vương bày ra chiêu đãi chúng ta với đầy đủ gia vị và cung bậc cảm xúc.
Đọa lạc thiên sứ (Fallen Angels) công chiếu lần đầu tại Hồng Kông năm 1995. Tại giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 15, bộ phim đã chiến thắng ở 3 hạng mục: Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Mạc Văn Úy), Quay phim xuất sắc nhất (Christopher Doyle) và Nhạc phim xuất sắc nhất (Trần Huân Kì, Roal A. Garcia). |
Trong thành công của Đọa lạc thiên sứ với hàng loạt giải thưởng, không thể bỏ qua sự góp sức của dàn diễn viên tên tuổi. Vương Gia Vệ như có phép thần nhìn người. Dường như ông luôn biết được ai sẽ tỏa sáng sau khi hóa thân vào các nhân vật trong phim ông.
Sau khi xem Đọa lạc thiên sứ, khán giả cứ vương vấn mãi nét phong trần lãng tử, vừa lạnh lùng xa cách vừa chứa chan tình cảm của Lê Minh. Lê Minh đã có một vai diễn để đời. Từ cử chỉ, thần thái đều toát lên sự cô độc, lẻ loi của một con người không mục tiêu, không ước mơ, thậm chí không biết đến ngày mai.
Lý Gia Hân lúc đó thường được truyền thông ví von là “bình hoa di động” bỗng chốc có sự thể hiện xuất sắc đến bất ngờ. Cô hoàn toàn lột xác, chẳng những vô cùng xinh đẹp, kiêu kỳ mà còn biết cách giấu ánh nhìn để người đối diện không đọc được những dao động trong lòng mình. Các nhân vật khác, từ Kim Thành Vũ, Mạc Văn Úy… đến những vai nhỏ trong phim, mỗi người một vẻ, tạo nên sự hài hòa có sức cuốn hút khó cưỡng.
Đọa lạc thiên sứ là câu chuyện sống, làm việc và yêu của những người lớn giữa một thành phố hoa lệ. Ảnh: Intenet
Lương duyên giữa Christopher Doyle và Vương Gia Vệ
Không ngoa khi nói rằng nếu không có Christopher Doyle thì chẳng có một Vương Gia Vệ đình đám. Là một nhà quay phim người Úc nhưng cuộc đời, sự nghiệp Christopher Doyle lại gắn liền với điện ảnh Hồng Kông và các siêu phẩm của Vương Gia Vệ. Trong hành trình sự nghiệp, Christopher Doyle đã giành rất nhiều giải thưởng. Ông từng nhận về giải quay phim xuất sắc nhất tại các liên hoan phim của Hồng Kông hay giải Kim Mã của Đài Loan (Trung Quốc). Ông cũng từng được trao giải kỹ thuật tại Liên hoan phim Cannes và Liên hoan phim Venezia.
Là một nhà quay phim độc đáo, ông biết cách sử dụng ưu thế góc quay để làm thương hiệu cá nhân cho chính mình. Chưa có nhà quay phim nào được truyền thông săn đón, săm soi như ông. Christopher Doyle nổi tiếng ngang ngửa với các bộ phim mình làm ra. Ông và Vương Gia Vệ, với hàng loạt bộ phim nổi tiếng, trong đó có Đọa lạc thiên sứ, đã cùng nhau làm nên một kỷ nguyên vàng của điện ảnh Hồng Kông.
Những người mê Vương Gia Vệ hẳn rất quen thuộc với chất liệu và màu phim của Christopher Doyle. Tất cả siêu phẩm, từ Trùng Khánh sâm lâm, A Phi chính truyện, Xuân quang xạ tiết đến Tâm trạng khi yêu, Đông Tà Tây Độc, Căn phòng 2046… đều là các tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp của Christopher Doyle lẫn Vương Gia Vệ.
Lần đầu xem Đọa lạc thiên sứ, hẳn bạn sẽ thấy lạ lẫm vô cùng với những góc quay cận, chỉ tập trung vào khuôn mặt nhân vật. Những thước phim, những khung hình có góc quay rộng, cận mặt lấy nhân vật làm trung tâm đã tôn hết vẻ đẹp diễn xuất tâm lý của diễn viên. Phong cách rất riêng của Christopher Doyle đã phô bày hết khả năng diễn xuất của từng người, lấy được từng ánh nhìn, từng nỗi khoắc khoải…
Kim Thành Vũ đã tỏa sáng trong Đọa lạc thiên sứ. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, những gam màu u tối đối lập, việc sử dụng ánh sáng rất yếu với ý đồ làm bật lên ánh đèn đường leo lét, ánh đèn neon chập chờn của các cửa hiệu; luân chuyển giữa phim màu và đen trắng trong từng khung hình – nét riêng của Christopher Doyle – đã làm nên thành công của Đọa lạc thiên sứ.
Bộ phim để lại cho người xem những day dứt khó nói được bằng lời về những nỗi buồn triền miên, về sự vô cùng của những mảnh đời lạc lõng. Dường như xã hội ngày càng phát triển, trong cuộc sống lại có thêm những con người như những nhân vật trong phim – cô đơn, cam chịu… Chẳng ai đoái hoài giúp đỡ, chẳng bàn tay nào chìa ra kéo những “thiên thần sa ngã” ấy đứng lên…
Theo Lan Khôi/PNO
Bình luận (0)