Hướng đến kỷ niệm 70 năm Hiệp định Gèneve, chuyến tàu tập kết (1954-2024) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2024), Bảo tàng TP.HCM đã tổ chức tọa đàm giao lưu nhân chứng lịch sử “Đoàn Cải lương Nam bộ – Một thời hoa lửa”.
Tại đây, các bạn trẻ đã được nghe những nhân chứng lịch sử như: NSƯT Ca Lê Hồng, đạo diễn Thanh Hạp, NSƯT Lê Thiện, TS. Nguyễn Thị Hậu, NSƯT Phi Điểu, NSND Thanh Vy… chia sẻ về bối cảnh ra đời, những kỷ niệm trong những tháng ngày tham gia Đoàn Cải lương Nam bộ, nhất là những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đạo diễn Thanh Hạp chia sẻ, ông tập kết ra Bắc vào tháng 12-1954 khi mới 12 tuổi. Thời điểm đó, khi đề cập đến việc phải xa nhà, đi tập kết 2 năm, ông có chút chần chừ, không muốn đi. Nhưng khi nghe những bậc tiền bối bảo đi tập kết sẽ được gặp Bác Hồ nên ông đã quyết định tham gia vào lực lượng văn nghệ sĩ rời miền Nam ra Bắc tập kết.
“Bác Hồ thương yêu văn nghệ sĩ trên tinh thần là những người làm công tác nghệ thuật vì Bác biết chúng tôi có những nỗi niềm riêng trong tâm hồn. Đặc biệt, với Đoàn Cải lương Nam bộ, Bác càng thương hơn vì là những người con xa nhà, tập kết ra Bắc”, đạo diễn Thanh Hạp nhớ lại.
Trong chuyến tập kết ra Bắc, NSƯT Ca Lê Hồng cũng vinh dự được gặp trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà sàn của Bác.
“Tôi được Bác hỏi thăm và căn dặn rằng phải ráng học vì có trình độ văn hóa thì mới đủ sức nâng cao nghệ thuật biểu diễn của mình”, NSƯT Ca Lê Hồng chia sẻ.
NSƯT Lê Thiện kể, bà theo Đoàn Cải lương Nam bộ ra miền Bắc đi diễn khi mới 11 tuổi. Có tháng bà cùng đoàn diễn 29 đêm với 24 địa điểm khác nhau. Có những đêm diễn tới 12 giờ, sau đó lại cùng mọi người chuẩn bị cho địa điểm diễn ngày mai. Diễn viên chính khi đó cũng phải vừa hát tân nhạc, diễn hài kịch… để phục vụ chiến trường.
“Gian khổ là thế nhưng tất cả mọi người đều đồng lòng mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ người dân và chiến sĩ. Ngay từ khi gặp nhau ở miền Bắc, Đoàn Cải lương Nam bộ thường nói với nhau rằng, dù đất nước chưa thống nhất, nhưng Đoàn Cải lương Nam bộ đã “thống nhất” ngay từ những năm đầu khi ra Bắc”, NSƯT Lê Thiện xúc động.
Qua những lời kể của những nhân chứng lịch sử, tọa đàm đã giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của Đoàn Cải lương Nam bộ trong việc gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Đồng thời tôn vinh những đóng góp to lớn của các nghệ sĩ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng.
Bà Đoàn Thị Trang – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng TP.HCM cho biết, thực hiện định hướng về bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương, bảo tàng TP.HCM triển khai công tác sưu tầm hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan Đoàn Văn công Nam bộ, Đoàn Cải lương Nam bộ.
“Đầu năm, bảo tàng đã tiếp nhận 243 hiện vật, tư liệu của TS. Nguyễn Thị Hậu gửi tặng. Để bảo tồn và phát huy giá trị bộ sưu tập hiện vật tư liệu của gia đình TS. Nguyễn Thị Hậu, bảo tàng bước đầu sẽ số hóa mảng tư liệu hình ảnh để bổ sung trưng bày trong phòng trưng bày cố định văn hóa nghệ thuật”, bà Trang cho biết.
Năm 1956, Đoàn Cải lương Nam bộ được thành lập trên cơ sở tách ra từ Đoàn Văn công Nam bộ. Đoàn Cải lương Nam bộ là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm đã tạo nên những tác phẩm gây được tiếng vang như “Phụng Nghi Đình”, “Kiều Nguyệt Nga”, “Dệt gấm”, “Khuất Nguyên”, “Nàng tiên mẫu đơn”, “Thạch Sanh”, “Võ Thị Sáu”, “Máu thắm đồng Nọc Nạn”… Với sức ảnh hưởng của mình, đoàn đã trở thành ngôi sao sáng đem lời ca, tiếng hát đậm chất Nam bộ phục vụ nhân dân trên đất Bắc. |
Hồ Trinh
Bình luận (0)