Sáng 23-12, tại trụ sở UBND tỉnh Bạc Liêu, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh để truyền đạt những ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nắm bắt tình hình, trao đổi, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoành thành nhiệm vụ theo kế hoạch năm của từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với 3 địa phương
Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các bộ: Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT.
Tại buổi làm việc, đại diện 3 địa phương đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại địa phương. Đồng thời, các tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về nhiều nội dung liên quan đến các ngành, lĩnh vực về kinh tế, xã hội nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng những kết quả mà 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh đạt được.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, năm 2023 dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng 3 địa phương vẫn giữ ổn định phát triển kinh tế – xã hội. Tình hình xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản… có kết quả khả quan. Các tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong điều hành, phát triển kinh tế – xã hội; giải ngân vốn đầu tư Trung ương, địa phương; xuất khẩu là điểm sáng tích cực.
“Bên cạnh đó, các địa phương vẫn còn khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai, biến đổi khí hậu, sạt lở, quy hoạch, kinh phí… Đây không chỉ là khó khăn riêng của 3 tỉnh mà là khó khăn chung của cả Đồng bằng sông Cửu Long…”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận.
Quang cảnh buổi làm việc
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định tầm quan trọng của hệ thống giáo dục trong việc góp phần phát triển kinh tế – xã hội các địa phương. Bộ trưởng đánh giá cao sự quan tâm, kết quả đạt được của ngành GD-ĐT các tỉnh với các chỉ số tích cực trong khi các chỉ số khác còn khiêm tốn so với các địa phương trong vùng và cả nước.
Qua đó, Bộ trưởng mong muốn 3 tỉnh quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực GD-ĐT trong thời gian tới. Đặc biệt là sang năm 2024, ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như thực hiện sách giáo khoa mới (học kỳ 2 lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 các lớp 5, 9 và 12); chuẩn bị thi THPT theo mô hình mới. Những việc này rất cần sự vào cuộc của địa phương về công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo, phát huy vai trò các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn…
Bộ trưởng tin tưởng sự hợp tác giữa ngành giáo dục và chính quyền địa phương sẽ mang lại những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển toàn diện của từng tỉnh và đất nước trong những năm tới.
Từ kiến nghị, đề xuất của các tỉnh cũng như các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, đoàn công tác sẽ tập trung thảo luận, xác định rõ nguyên nhân của những lĩnh vực, chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt được để đồng hành, phối hợp cùng các địa phương báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ theo thẩm quyền. Trước mắt, những việc nóng, cần tháo gỡ ngay thì địa phương làm việc trực tiếp với từng bộ ngành liên quan, trường hợp cần thiết trưởng đoàn sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)