Y tế - Văn hóaThư giãn

Đoàn Giỏi – Nhà văn xuất sắc của Nam bộ và tác phẩm cuối cùng

Tạp Chí Giáo Dục

Tình cảm anh em, tình bạn văn chương

Từ trái sang: Đoàn Giỏi, Đoàn Tuấn Anh, Đoàn Minh Tuấn (ảnh chụp năm 1971 tại Hà Nội)Đoàn Giỏi đi Hungary về là anh ăn tết ở nhà tôi. Năm đó là năm Kỷ Tỵ (1989), tháng hai mùa xuân, tức tháng 4 năm dương lịch, mấy ngày sau anh lại vội vã ra đi, để lại cho gia đình tôi nỗi đau quá lớn.

Nói là ăn tết, nhưng anh có còn ăn được gì? Tôi có ngờ đâu đây là cái tết cuối cùng của anh. Một miếng pho mát nhỏ bằng quân cờ, một ly rượu bằng hạt mít anh cũng không uống nổi. Hội Văn nghệ thành phố cấp cho anh một căn phòng 20 m2, trần dột nát khi mưa, còn nóng thì mái tôn hầm hập như lò nướng bánh. Anh nằm giường chiếc bên cạnh bố con tôi. Các con tôi gọi anh bằng Ba Năm – anh là thứ năm – vợ tôi cùng quê Tiền Giang với anh, nên anh coi như là ruột rà cốt nhục.

Khi tập kết ra Bắc, anh tình cờ gặp tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam trong một cuộc họp cộng tác viên, biết tôi họ Đoàn anh đến bắt tay: “Cậu Tuấn này, họ Đoàn ít lắm, cũng chẳng làm vua, làm chúa và quan quyền bao giờ, ông Tổ chúng mình cũng từ đất Quảng vào, chúng ta cùng họ nhưng khác chi, khi cha ông ta chịu nỗi áp bức, di dân về phương Nam tha phương cầu thực”.

Kể từ những năm của thập niên 50 ấy, chúng tôi đã thân nhau lắm. Ở Hà Nội nhà tôi ở gần nhà anh – tôi ở Hàng Khay còn anh ở Cổ Tân, cách nhau chừng 200 m nên chúng tôi vẫn thường đi với nhau trong cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”. Lúc còn ở bộ đội, tôi đã được đọc Cây đước Cà Mau của anh từ tháng 11-1954. Bà má Năm Căn anh tả trong hồi ký này hiện lên cùng sông nước cỏ cây chim muông, cá tôm, thời tiết… Ngôn ngữ theo vào đầu óc văn chương của tôi thời sinh viên rất thích thú. Có lần anh Xuân Diệu nói với tôi: “Bà má Năm Căn – bài thơ của mình cũng nhờ đọc Đoàn Giỏi mà có”.

Anh là một con người phóng khoáng, hào hiệp, có tấm lòng sâu nặng với sông Tiền cho nên khi giải phóng quê nhà – lúc bấy giờ tôi ở chiến khu về tiếp quản Đài Truyền hình Giải phóng Sài Gòn – anh gọi điện cho tôi: “Chuẩn bị xe cho mình về một chuyến thăm quê”. Và mùa xuân năm 1976, anh vào. Tôi cũng nhân công tác miền Tây nên cùng anh và một bạn quay phim về ăn tết ở Mỹ Tho. Tôi có ra gò đất bên thị trấn Tân Hiệp viếng mộ song thân anh. Năm ấy anh vừa tròn 50 tuổi, tóc mới hoa râm, anh ngồi kề bên bia mộ đá xanh đốt đến ba tuần hương, và theo phong tục làng quê, chúng tôi châm lửa đốt vàng, một cơn gió nhẹ cuốn tàn gió bay cao đến hàng chục mét. Vốn là người có chiều sâu tâm linh và để tâm nghiên cứu thiền học, anh vỗ vai tôi: “Thôi về được rồi Tuấn ạ. Ba má đã về và đã bay vào cõi hư vô, chứng kiến cho con cháu đến lạy tổ tiên rồi đó”.

Rồi sau đó tôi và anh về Cà Mau. Dọc theo đường, anh thích tạt vào những vườn cây ăn trái sum sê. Anh ngắm nhìn từng chiếc lá, từng rễ cây, từng ngọn đước, ghi ghi chép chép cẩn thận. Đêm dưới ánh trăng không đủ sáng để nhìn, anh rọi đèn pin xem từng con cua, con còng, con cá kèo… bò ra khỏi hang kiếm ăn. Và anh đưa tôi trở lại những vùng đất mà nhân vật An của anh trong Đất rừng phương Nam đã lưu lạc… Là người đã từng học Trường Beaux-art (Mỹ thuật Gia Định) những năm 40, nếu suôn sẻ thì cũng là một nhà danh họa, nhưng anh bảo: Cụ Nguyễn Tuân có nói nếu cho chọn nghề thì cụ chọn nghề vẽ, còn mình chọn nghề thì chọn nghề kiểm lâm. Theo anh thì đi vào rừng sâu có nhiều điều mới lạ, bắt mình phải khám phá, tìm hiểu, quan sát… Anh say mê màu sắc chiếc lá khi chiều tà, ngọn cỏ lúc sương tan, con cò đầu bạc đủng đỉnh ung dung như đạo sĩ bên bờ sú vẹt xanh um… Và anh đã viết truyện Rừng đêm xào xạc (truyện đã được giải thưởng của ngành lâm nghiệp). Ôi một người đắm đuối với thiên nhiên và yêu quí động vật cỏ cây nhưng lại là một người rất khinh bạc trong cuộc sống. Nhiều lúc anh ngồi buồn thừ người ra suy nghĩ vẩn vơ, thở dài. Có lúc ngậm ngùi thê thiết anh thường than vãn với tôi: “Tết ở Hà Nội nhớ Tiền Giang, Sài Gòn, khi về Sài Gòn lại nhớ tết Hà Nội. Một nửa đời mình gắn với Hà Nội đó”! Và cũng vì tình yêu quê hương, đất nước mà anh đã góp phần dìu dắt bao nhiêu nhà văn trẻ của đồng bằng sông Cửu Long, kể cả ngày qua và hôm nay.

Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ phương Nam hiện đại, anh là người “máu của máu Việt” là vậy! Tiếc rằng anh đã quá vội ra đi khi Núi cả, cây ngàn tiểu thuyết của anh còn viết dở. Tiểu thuyết nói về thời kỳ hồng hoang của mảnh đất Nam bộ thành đồng. Nếu Nam Tào gia hạn hộ chiếu trần gian cho anh 6 tháng nữa lúc ấy chắc chắn chúng ta có thêm những trang sử thi sống động và giàu chất phiêu lưu, thêm những trang từ điển lý thú về ngôn ngữ văn học vùng này. Năm 1948 anh là trưởng ban trinh sát Công an tỉnh được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, cho nên tác phẩm của anh, anh khám phá và quan sát rất kỹ. Như người trinh sát điều tra một vụ án, khám xét hiện trường, bởi vậy cuốn sách Cuộc sưu tầm kho vũ khí (1962) là một truyện vừa mang đậm màu sắc trinh thám li kỳ hấp dẫn của anh. Còn Núi cả cây ngàn kể lại đời của một cô gái bị bỏ rơi trong rừng sâu Bảy Núi, sống với đàn vượn những ngày còn hoang sơ, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Sự đùm bọc của dân chài, dân cày, dân miệt rừng… khí phách và tình nghĩa của nhân dân Nam bộ thuở ban sơ. Số phận bi thảm của những con người bị áp bức, kẻ xâm lăng dã man tàn bạo, đặc biệt là cảnh sinh hoạt của vùng ngập mặn mới đầu chưa được khai phá… đó là bối cảnh của Núi cả, cây ngàn.

Anh đã nói với tôi: “Cuốn sách này mình thai nghén gần ba năm rồi, ước mong nó là thông điệp đấu tranh trong buổi sơ khai của Nam kỳ lục tỉnh”, khi thực dân Pháp mới xâm lược và đó là cuốn tiểu thuyết dài 10 chương mà anh đã ấp ủ mãi những năm cuối của cuộc đời anh.

Tác phẩm kể lại một cô giáo bị bỏ rơi trong rừng. Sự đùm bọc che chở của nhân dân miệt rừng, tình nghĩa hào hiệp của dân vùng đất hoang sơ, số phận bi thảm của những kẻ phản bội dân làng vùng đất ngập mặn. Đây là đề cương tóm tắt mà Đoàn Giỏi trước khi chết đã đưa cho tôi, để tôi viết bài in báo – tôi đã chuyển cho chị Lục cả tập bản thảo viết tay này. Tôi là người được nhờ tìm tư liệu giúp anh ở thư viện quốc gia về buổi hồng hoang “mang gươm đi mở cõi”, bởi tôi hay vào thư viện tra cứu các truyện cũ, kể cả các tiểu thuyết ta viết về mở đất như Quả dưa đỏ vua An Tiêm và các thư tịch xa xưa của thời chúa Nguyễn ở đàng trong… Riêng thư viện nhỏ ở nhà tôi đã có đến 10 nghìn cuốn sách mà anh thường xuống đọc nhờ, nghiên cứu. Một hôm anh mệt, anh đọc cho tôi ghi đề cương.

(Còn tiếp)

Đoàn Minh Tuấn

Bình luận (0)