Đến với nhau vì cái duyên, ở với nhau vì cái nghĩa để rồi gọi nhau bằng 2 tiếng thân thương vợ chồng. Nhưng chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt mà Phạm Xuân Linh (SN, 1981, ngụ quận 8 TP.HCM) đã xuống tay giết hại người vợ đã từng đầu ấp tay gối với mình.
Bị cáo Phạm Xuân Linh nghe tòa tuyên án |
Cha tù tội…
Năm 2009, bị cáo kết hôn với chị Phạm Ngọc Dung (ngụ quận 8, TP.HCM) cuộc sống gia đình khá êm ấm trong thời gian đầu do hai bên gia đình khá giả nên không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, trong thời gian sinh sống cả hai thấy không hợp nhau, không cùng quan điểm sống nên đã nhanh chóng ly hôn để “giải thoát” cho nhau vào năm 2012. Họ có một bé gái tên Tường Vy, tại tòa, cả hai tranh chấp việc nuôi con. Tòa án đã tuyên quyền nuôi con thuộc về chị Dung nhưng mỗi tháng bị cáo phải chu cấp 5 triệu đồng tiền nuôi dưỡng bé và được quyền đến thăm nom con. Thời gian đầu thì Dung chấp nhận nhưng càng về sau thì Dung cảm thấy khó chịu khi chồng cũ đến thăm con, chở con đi chơi làm cháu bé phải bỏ học. Chị tỏ ra bực tức nên thường xuyên cãi nhau với chồng. Mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm vào năm 2015 khi bị cáo đến thăm con thì Dung không cho vào nhà và nói những lời xúc phạm. Linh buồn tủi chia sẻ: “Cô ấy không cho bị cáo vào nhà, còn la mắng, xúc phạm và nói đây là lần cuối cùng bị cáo được đến thăm con, cô ấy sắp lấy chồng sẽ đưa con sang nước ngoài sinh sống, vì vậy chuẩn bị tinh thần mà chia tay con. Bị cáo đã cải trang thành công nhân thợ điện để đột nhập vào nhà nói chuyện là hãy để con cho bị cáo nuôi dưỡng nếu cô lấy chồng”. Ngày định mệnh ấy, Linh đã tước đi mạng sống của vợ cũ…
Luật sư Nguyễn Thanh Long (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: “Nếu việc phân chia tài sản tại các phiên tòa xử ly hôn đã khó thì việc “phân chia con” còn phức tạp hơn nhiều. Bởi bố mẹ đã cạn nghĩa, cạn tình nhưng con cái vẫn còn vẹn nguyên tình yêu thương đối với cha mẹ, mong được gắn kết với những bậc sinh thành ra mình. Theo phán quyết của tòa án thì việc thăm con, phân chia tài sản, nuôi dạy con đã được quy định rõ ràng nhưng trên thực tế vẫn có những sự việc đau lòng xảy ra. |
Với hành vi thiếu kiểm soát của mình mà bị cáo Linh đã bị truy tố về tội “Giết người” theo khoản 1, điều 93, Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo từ 18-20 năm tù. Nhưng xét thấy các tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu và bị cáo còn phải nuôi con nhỏ khi mẹ cháu bé đã mất nên HĐXX tuyên phạt 15 năm tù. Nhưng gia đình bị hại đã kháng cáo đòi tăng hình phạt đối với bị cáo.
Con mồ côi
Cái nóng của Sài Gòn gay gắt bao nhiêu thì cái nóng trong phòng xử án gay gắt bấy nhiêu. Bởi lẽ, người mẹ đã mất người cha tù tội thì người khổ nhất vẫn là người con. Vì lòng tự ái, tự cao và tính cá nhân mà cả hai đã đưa hôn nhân đến vực sâu của sự tăm tối. Một đứa bé mới 7 tuổi chưa hề nhận thức hết được sự mất mát mà nó phải gánh chịu. Trong tâm hồn trẻ thơ ấy chỉ biết rằng cha là người đã giết mẹ và cha phải ngồi tù. Nhìn thấy cảnh con côi cút người cha khóc nức nở: “Bị cáo hoàn toàn không cố ý muốn giết cô ấy, bị cáo hối hận lắm. Sau khi ly hôn bị cáo đã để lại toàn bộ tài sản cho cô ấy nuôi con được tốt hơn nhưng bây giờ lại xảy ra chuyện”. Đứng trước vành móng ngựa người cha đau đớn khi phải chứng kiến cảnh con mình giờ ai nuôi? Không phải bị cáo mà là một người “ông ngoại ngoài giá thú” của bé. Bé Vy đang bị lôi vào các mối quan hệ nội – ngoại rối như tơ vò. Sau khi mẹ chết thì toàn bộ tài sản của mẹ để lại đã gây ra một cuộc chiến để tranh giành tài sản. HĐXX đã quyết định chuyển phần giám hộ nuôi bé tại một phiên tòa khác.
Chủ tọa phiên tòa chia sẻ: “Bị cáo thấy lỗi mình gây ra đã đủ lớn chưa? Ai cũng cho rằng mình có quyền này quyền khác với con. Cả cha và mẹ đều nghĩ rằng mình là người thương con nhất, muốn dành những điều tốt đẹp cho con. Nhưng cái kết thì quá đau lòng. Bé không được hưởng trọn tình yêu thương của cha, chịu cảnh mồ côi mẹ. Tâm hồn trẻ thơ của bé cũng sẽ ảnh hưởng phần nào khi thiếu đi sự chăm sóc của cha mẹ, những gì bé nhìn thấy chỉ là mất mẹ, cha vào tù”. Nghe đến đây phiên tòa bỗng lặng xuống không một tiếng xì xào. Bị cáo thì cúi gằm mặt, nước mắt rưng rưng. Bé Vy là con của bị cáo và bị hại nên bị cáo là người có trách nhiệm trên hết, HĐXX cũng nhận định bị cáo có quyền, trách nhiệm với con mình nên đã tuyên y án 15 năm tù, không tăng hình phạt đối với bị cáo để bị cáo có cơ hội về nuôi dưỡng và chăm sóc con.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Bình luận (0)