- 1 Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người
Ngày 7-5, Hội thảo Khoa học quốc tế Đại lễ Vesak 2025 đã diễn ra thu hút sự tham dự của nhiều đại biểu.

Hội thảo gồm phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề với hơn 300 bài tham luận tập trung vào chủ đề chính của Đại lễ Vesak là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”.
Các tham luận tập trung vào 5 chủ đề chính yếu gồm: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo qua hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững và thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, các nghiên cứu được báo cáo trong hội thảo đã nhấn mạnh về tiềm năng chuyển hóa sâu sắc của trí tuệ Phật giáo trong thời đại khủng hoảng và hội nhập.
Các nguyên lý từ bi, tâm từ và trí tuệ không chỉ là nền tảng của tu tập cá nhân, mà còn là những đức tính thiết yếu cho sự chung sống toàn cầu. Nền tảng đạo đức bao dung được đề xuất ở đây là khuôn phép mà tất cả con người đều xứng đáng được tôn trọng, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng hay quốc tịch.
Mỗi bài nghiên cứu đều liên hệ đến một hoặc nhiều tiểu chủ đề của hội thảo, đồng thời đưa ra những nhận định sáng tạo và giải pháp thiết thực cho các vấn đề toàn cầu cấp bách.

Một số bài phân tích việc tích hợp chánh niệm vào hệ thống giáo dục hiện đại, trong khi những bài khác khảo sát vai trò của đạo đức Phật giáo trong việc thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.
Định hướng nghiên cứu tương lai có thể tập trung vào vai trò của đạo đức Phật giáo trong việc hình thành văn hóa thể chế, đặc biệt trong các tổ chức liên chính phủ và các sáng kiến hòa giải xung đột. Hướng nghiên cứu triển vọng khác là tích hợp thực hành chánh niệm và lãnh đạo từ bi vào quản trị công và hệ thống giáo dục.
“Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người” không chỉ là chủ đề mà là nền tảng triết lý theo đó chúng ta cần cùng nhau hướng đến.
Hồ Trinh
Bình luận (0)