Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đoàn phim ‘Nỗi buồn chiến tranh’ chưa thống nhất về kịch bản

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thông tin cho rằng, Bảo Ninh tuyên bố “không dính líu gì đến bộ phim” chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của ông, Nnhà văn khẳng định, hiện tại, ông chưa phát biểu chính thức gì với báo chí. Nhưng ông thừa nhận có sự khúc mắc trong việc triển khai kịch bản phim.

Trang bìa tiểu thuyết.Nỗi buồn chiến tranh được Viet Film – một hãng phim gồm nhà sản xuất người Anh, đạo diễn người Mỹ Nicolas Simon và các cộng sự đến từ nhiều quốc gia khác nhau – mua bản quyền dựng thành bộ phim cùng tên. Kịch bản do nhà biên kịch Peter Himmelstein chuyển thể, đã được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam duyệt và cấp phép. Nhưng khi phim sắp bấm máy, Bảo Ninh tỏ ra bất đồng với một số vấn đề trong kịch bản. Trao đổi với VnExpress.net, ông chỉ nói ngắn gọn: “Hiện tại, tôi chưa đưa ra quyết định gì cả. Mọi vấn đề về kịch bản vẫn đang được bàn luận. Vài ba hôm tới, nói gì tôi mới nói”.

Không tỏ ra quá bất ngờ trước thông tin này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – Giám đốc Hãng HodaFilm, đối tác của Viet Film tại Việt Nam – cho rằng, đây là chuyện thường ngày ở các đoàn làm phim. Theo bà, giữa tác giả văn học và người chuyển thể kịch bản luôn có độ vênh nhất định trong quá trình làm việc. “Thực ra, không phải Bảo Ninh từ chối mà anh ấy muốn đóng góp cho kịch bản Việt Nam hơn. Anh ấy cho rằng, kịch bản hiện có mang chất Mỹ nhiều quá”, bà Ngát cho biết.

Nỗi buồn chiến tranh đã được bán đứt bản quyền cho nhà sản xuất. Do đó, ý kiến của Bảo Ninh, về mặt pháp lý, không có ý nghĩa quyết định đến số phận bộ phim. Tuy nhiên, ông là tác giả gốc, là người am hiểu chiến tranh, hiểu hơn ai hết cuốn tiểu thuyết của mình, nên sự đóng góp ý kiến của ông được đánh giá là cần thiết. Hiện tại, đạo diễn Nicolas Simon vẫn tiếp tục làm việc với nhà văn để tìm tiếng nói chung, giúp hai bên xích lại gần nhau hơn.

Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.Sau khi được các nhà chức trách Việt Nam phê duyệt, đầu tháng 8, êkíp của Viet Film đã vào Việt Nam. Họ hoàn tất việc casting, chọn cảnh và sắp sửa bấm máy. Nếu vì một lý do nào đó, phim ngừng quay, đoàn phim sẽ chịu những tổn thất nhất định về mặt tài chính. Bà Ngát chia sẻ: “Viet Film là một hãng độc lập, không có tiềm lực mạnh như các hãng lớn tại Hollywood. Vì vậy, khi vào Việt Nam, họ cũng phải rất căn cơ, rất tiết kiệm. Hy vọng là đạo diễn và nhà văn sẽ ngồi lại, tiến tới thống nhất để phim vẫn được tiến hành như dự định. Mâu thuẫn, khúc mắc sẽ khiến cho nhiệt tình và sự say mê của đạo diễn và êkíp giảm đi nhiều”.

Hà Linh (vnexpress.net)


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)