Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang “hụt hơi”?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Làm thế nào để các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt bằng, vốn, lãi suất cao, đặc biệt sự cạnh tranh gay gắt của một số doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài.

Đó là những vấn đề được đặt ra tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với các doanh nghiệp bán lẻ ngày 8/3.

Từ 1/1/2009 Việt Nam đã mở cửa thị trường bán lẻ.

Theo cam kết gia nhập WTO, từ 1/1/2009 Việt Nam đã mở cửa thị trường bán lẻ. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phú Thái cho biết, bản thân các doanh nghiệp trong nước khi đi các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, tiếp cận với đất đai, mặt bằng rất khó.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh lại có “cảm tình” hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Còn theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển hệ thống phân phối Việt Nam, với cơ chế chính sách thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải “tự bơi”, và bơi hụt hơi, do các doanh nghiệp bán lẻ trong nước chưa được quan tâm nhiều.
“Điều này có thể thấy qua các cuộc đấu giá các mặt bằng lớn, các mặt bằng đẹp đều thuộc về các công ty nước ngoài”, ông Minh nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa số có quy mô nhỏ và vừa, vốn hạn chế, sức cạnh tranh yếu, cơ sở vật chất lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt, tài chính và nguồn nhân lực là hai vấn đề lớn mà các doanh nghiệp bán lẻ trong nước gặp phải.
“Để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hiện nay, cần có chính sách hỗ trợ trước hết là tài chính. Ngoài ra, cần có quy hoạch, đào tạo bài bản nguồn nhân lực để có kiến thức quản lý và có tầm nhìn”, ông Minh kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc Vinatex Mart thì cho rằng, trong quá trình kinh doanh, sự hợp tác của các doanh nghiệp trong nước thiếu yếu tố bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đang thao túng thị trường bằng cách kinh doanh của họ, họ bán đứt đoạn và buộc doanh nghiệp trong nước phải bán theo giá ấn định của họ.
Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước nên hợp tác lại bền vững, bắt tay với nhau để thay đổi chính sách kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, có vị trí trong hệ thống bán lẻ, đẩy được sản xuất trong nước và giữ được thị trường nội địa.
Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về nghiệp vụ, chuyên môn, đa phần các doanh nghiệp trong nước không thực sự quan tâm nhiều tới các yếu tố quảng bá, trưng bày sản phẩm trong khi các doanh nghiệp nước ngoài làm điều này rất bài bản.
Cùng quan điểm với các doanh nghiệp bán lẻ khác, đại diện Hapro cho rằng, cần có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương để địa phương hỗ trợ doanh nghiệp có mặt bằng phát triển. Đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc về các chính sách cho những doanh nghiệp tiên phong trong mở thị trường bán lẻ ở các tỉnh vùng sâu.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam cho biết, điều lo lắng lớn nhất hiện nay của Fivimart là, nếu doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và họ có mặt bằng tại các trung tâm thì doanh nghiệp trong nước không thể nào sống nổi. Vì doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính nên họ có thể đàm phán được với các nhà cung cấp về giá, chiết khấu nhiều và đương nhiên, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh được.
Để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ sẽ giao cho các Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch, Vụ Pháp chế… xây dựng văn bản pháp luật và chính sách phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ; nghiên cứu chính sách, văn bản cho phép doanh nghiệp liên doanh với điều kiện doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ 51% số vốn điều lệ trở lên; nghiên cứu về chính sách phát triển hệ thống logistic; nghiên cứu và đưa ra các biện pháp hưởng ứng thực hiện Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chú ý đến công tác đào nguồn đội ngũ quản lý kinh doanh thương mại.
Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng quỹ đất cho các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ; phối hợp cùng toà án nhân dân tối cao trong các vụ án về thương mại, xử lý nghiêm khắc các trường hợp phá vỡ hợp đồng; có chính sách mở rộng, có sự liên kết giữa sản xuất và phân phối để chống thao túng thị trường của doanh nghiệp nước ngoài; xem lại Nghị định về điều hành các mặt hàng thiết yếu…
Nguồn VNECONOMY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)