Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp BĐS đóng cửa hàng loạt

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại TPHCM, Bình Dương dừng triển khai các dự án mới, không ít DN phải đóng cửa hoặc giảm đến 70% lao động…, vì rơi vào cảnh “nợ chồng nợ”.

Từ tháng 5, khi không còn khả năng gồng gánh, Công ty H.P có trụ sở chính và 2 chi nhánh đặt tại Bình Dương, 1 chi nhánh tại TPHCM phải thông báo đến toàn thể nhân viên việc dừng hoạt động do cạn tiền. Một lãnh đạo công ty cho biết, gần hai năm qua, có tháng không bán được sản phẩm nào. Nợ ngân hàng phải trả, bán không hết hàng thì mất tiền cọc cho phía chủ đầu tư và hằng tháng phải chi tiền tỷ trả lương, thuê mặt bằng…

Doanh nghiệp BĐS đóng cửa hàng loạt ảnh 1

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Hưng Phước đóng cửa. ảnh: H.C

Công ty Đầu tư và Phát triển bất động sản An Thành (trụ sở đặt tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận một dự án khu dân cư tại thị xã Bến Cát, “chạy” thị trường hơn 5 tháng nhưng chỉ bán được 3 căn nhà liền kề, lợi nhuận không đủ trả lương và chi phí vận hành. “Mỗi tháng DN phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng để hoạt động song gần 200 nhân viên không có việc để làm. Lỗ chồng lỗ kéo dài khiến DN kiệt quệ, trong khi các khoản hoa hồng (chi phí môi giới) của năm trước đến hạn thu tiền về lại bị chủ đầu tư khất nợ vì cũng đang gặp khó khăn. Công ty kiệt sức nên phải đóng cửa” – ông Thái Văn Thành, Giám đốc công ty, nói. Ông chấp nhận tiếp tục gắn bó với BĐS trong vai trò mới là người môi giới (cò đất).

“Ngành ngân hàng luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho DN nhưng hiện nay do nợ xấu tăng nên phải siết hồ sơ cho vay để đảm bảo thu hồi nợ".

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương

Nhiều sàn giao dịch BĐS ở TPHCM đã ngưng hoạt động và giải thể, như: Vieland, Goland, Kim Cúc Land, Hoàng Anh, DPV, Wonderland, Hiệp Long, Milestone Land…

Ông Lương Duy Sinh, Công ty GIBC cho biết, với tình hình khó khăn hiện nay, việc hàng loạt công ty BĐS giải thể là điều bình thường bởi các DN lớn gặp khó khăn về dòng tiền, còn các DN nhỏ khó khăn về sản phẩm để bán. Để tháo gỡ khó khăn, cần tập trung giải quyết cơ sở pháp lý và dòng vốn. Về pháp lý, các vướng mắc chủ yếu là xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất theo thị trường… Trong khi đó, lãi suất cho vay hiện nay tuy có giảm nhưng DN vẫn gặp khó khi tiếp cận.

Về pháp lý, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhận định, ngoài nguyên nhân là vướng mắc từ luật và các văn bản dưới luật, còn vướng do việc thực thi pháp luật của các địa phương. Ông Châu dẫn chứng, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 148 giao thẩm quyền cho UBND các tỉnh, thành giải quyết vấn đề đất công xen cài dự án. Hiện nay gần 50% tỉnh, thành chưa ban hành quy định chi tiết.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ có 550 DN kinh doanh BĐS thành lập mới, giảm 62,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 235 DN BĐS giải thể, tăng gần 20%.

Theo Hương Chi – Duy Quang/TPO 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)