Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp bình ổn thị trường kêu khó

Tạp Chí Giáo Dục

Siêu thị tăng chiết khấu; chi phí mặt bằng tăng khủng; đau đầu với hàng Trung Quốc nhái… là những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM- chương trình bình ổn thị trường năm 2018 đã diễn ra hiệu quả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá tùy tiện…

Nối tiếp đó, chương trình bình ổn thị trường năm 2019 – Tết Canh Tý 2020 cũng sẽ được triển khai với DN tham gia trên bốn chương trình: lương thực, thực phẩm; mùa khai giảng; sữa; dược phẩm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nêu hàng loạt khó khăn khi tham gia chương trình bình ổn thị trường. Theo đại diện công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, giá sản phẩm tham gia bình ổn phải thấp hơn giá thị trường từ 5 – 10%, những năm trước nhà phân phối hỗ trợ chiết khấu nên giá bình ổn đảm bảo nhưng năm nay, các hệ thống phân phối tăng mức chiết khấu nên các DN gặp không ít khó khăn. 

Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thị Ngọc Hà – Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho rằng: “DN tham gia chương trình bình ổn rất áp lực, ngày càng nặng nề bởi trách nhiệm vừa phải đảm bảo chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn cao nhất, vừa giữ giá bình ổn, trong khi hàng hóa bên ngoài tăng cao. Như đang dịch bệnh heo, giá gia cầm ngoài thị trường tăng 30 – 40% mà DN bình ổn không được tăng giá. Trong nhiều trường hợp, bản thân DN không muốn tăng giá nhưng buộc phải tăng giá khi hàng loạt chi phí đầu vào ngày càng tăng”.

Doanh nghiep binh on thi truong keu kho
Doanh nghiệp bình ổn gặp khó khăn giữ giá hàng bình ổn khi nhiều chi phí tăng cao.

Ngoài khó khăn về giá sản phẩm tham gia bình ổn, đại diện công ty TNHH May Túi Xách Minh Tiến (MiTi) nêu bức xúc về tình trạng công ty đầu tư nghiên cứu để cho ra sản phẩm mới với ưu điểm vượt trội, khác biệt (cụ thể cặp chống gù lưng) thì hàng trên nhiều trang bán hàng online bán sản phẩm nhái, không có chức năng đúng như quảng cáo. Bên cạnh đó, chi phí mặt bằng tăng chóng mặt lên gấp 1,5 – 2 lần so với năm rồi khiến nhiều đại lý phải thu hẹp do không chịu nổi chi phí, dẫn đến doanh thu của công ty sụt giảm tới 60%. 

Trước những ý kiến này, ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết Sở sẽ ghi nhận và sẽ làm việc cùng các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Theo Sở Công thương TP.HCM, đến nay đã có 12 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia, tổng nguồn vốn các ngân hàng tham gia chương trình đăng ký hỗ trợ DN vay thực hiện bình ổn thị trường là 19.650 tỷ đồng, lãi suất tương đương năm 2018 (ngắn hạn 5,5% – 7%/năm, trung và dài hạn 9%-10%/năm).

Về cơ chế điều chỉnh giá, đại diện Sở Tài chính cho biết khi giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng/giảm từ 5% trở lên, hoặc giá bán trên thị trường biến động giảm, làm cho giá trong chương trình không đảm bảo tiêu chí thấp hơn thị trường ít nhất 5% thì DN sẽ điều chỉnh giá bình ổn.

Việc điều chỉnh giá xem xét trên cơ sở biến động giá nguyên vật liệu, tỷ trọng giá nguyên vật liệu trong tổng giá thành, tình hình giá bán lẻ trên thị trường và đảm bảo mức giá sau điều chỉnh luôn thấp hơn thị trường 5-10%.

“Năm 2019, Sở Tài chính tiếp tục củng cố mạng lưới báo giá thu thập thông tin và phối hợp với các tỉnh… để nắm bắt được giá nguyên liệu, phù hợp với việc điều chỉnh giá của các đơn vị”, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho hay.

Một trong những điểm mới của chương trình bình ổn thị trường năm 2019  – Tết Canh Tý 2020 là Sở Công thương phối hợp Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, Sở Du lịch triển khai thực hiện chương trình “Kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch”. Các đơn vị sẽ xây dựng danh mục sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; được nuôi trồng, chế biến, sản xuất theo các quy trình hiện đại, khép kín.

Nguyễn Cẩm/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)