Ngày 20/1, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, đã có công văn “kêu cứu” lên Thủ tướng, đề nghị sớm sửa đổi một số quy định cho phù hợp với thực tiễn, nhất là tỷ lệ mạ băng (nước đá) và hàm lượng nước (độ ẩm) trên cá tra phi lê xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cá tra lại “kêu cứu” lên Thủ tướng, đề nghị sửa đổi một số quy định trong Nghị định 36 cho phù hợp với thực tế sản xuất.
Theo đó, Vasep đề nghị bỏ các quy định về “tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10%” và “hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm”. Việc quy định áp đặt về mức chất lượng sản phẩm là không thích hợp với tính đa dạng của các mảng và phân khúc thị trường khác nhau, khiến các DN cá tra Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác trên thế giới.
Vasep cũng cho rằng, việc ban hành những quy định trên vi phạm nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa). Để kiểm soát tình trạng gian lận thương mại về chất lượng cá tra, Vasep đề nghị Chính phủ bổ sung quy định bắt buộc DN phải ghi trên nhãn hàng hóa trọng lượng tịnh (không mạ băng) và hàm lượng nước bổ sung vào phi lê cá tra.
Ngoài ra, theo Vasep, cần bỏ quy định về việc “đăng ký hợp đồng xuất khẩu” và “xác nhận hợp đồng xuất khẩu” tại điều 7; và quy định “phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra” tại Điều 5 đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu. Vasep cho rằng, việc đăng ký xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra không giúp ích cho DN cũng như cơ quan quản lý nhà nước, còn tạo thêm một thủ tục hành chính, gây mất thời gian và chi phí, phiền hà cho DN.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Vasep cho biết: Trước ngày (ngày 1//12015) bắt buộc áp dụng hiện quy định về tỷ lệ mạ băng không quá 10%, độ ẩm không quá 83% trong Nghị định 36, Chính phủ đã cho phép lùi lại 1 áp dụng những quy định trên (đến 1/1/2016 mới có hiệu lực). Điều này, trước mắt đã giải tỏa căng thẳng và ách tắc cho DN cá tra. Tuy nhiên, nếu bắt buộc áp dụng một số quy định tại Nghị định 36, Việt Nam sẽ tự làm khó mình.
Ông Minh lấy ví dụ, tỷ lệ mạ băng, thông thường các nước chỉ cho áp dụng tới 20%, chứ không phải 10%. Còn độ ẩm trên cá tra phi lê, Mỹ hay EU đều áp dụng 86%…, trong khi Việt Nam quy định không được quá 83%. “Cần theo cơ chế thị trường, thị trường họ chấp nhận thế nào mình làm thế đó. Chẳng hạn, thị trường yêu cầu độ ẩm 80-81% thì mình làm tỷ lệ đó, chứ làm 83% thì không thể bán được”- ông Minh nói.
Trong công văn trên, Vasep “khẩn thiết” đề nghị Thủ tướng cho phép đại diện cộng đồng DN cá tra được gặp Thủ tướng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đại diện các bộ ngành liên quan trong tháng 1/2015, để phản ánh ý kiến của cộng đồng DN, giúp Chính phủ đưa ra giải pháp sửa đổi Nghị định 36 cho phù hợp tình hình sản xuất.
Như vậy, những tranh luận qua lại giữa các DN cá tra liên một số quy định tại Nghị định 36 với Bộ NN&PTNT ( cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 36) vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, trong công văn trả lời Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang và UBND một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, liên quan đến những kiến nghị “gỡ khó” cho DN khi thực hiện Nghị định 36, Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ không thay đổi về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước.
Theo Bộ NN&PTNT, quy định tỷ lệ mạ băng tối đa không quá 10%, hàm lượng nước tối đa không quá 83% trong cá tra phi lê đông lạnh là đủ độ tin cậy, cơ sở khoa học và thực tiễn để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và đảm bảo phát triển bền vững sản phẩm cá tra Việt Nam.
Theo TPO
Bình luận (0)