Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp cá tra: mười chết để một sống

Tạp Chí Giáo Dục

Quốc lộ 91, con đường từng được ví von là “con đường nhà máy cá tra”, dịp cuối tháng 5 này không còn sôi động như cách nay năm, sáu năm. Sóng gió thị trường như một cách thanh lọc ra các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh.

Quốc lộ 91 từ Cần Thơ qua khu công nghiệp Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt rồi tới Long Xuyên đi Phú Tân, Châu Đốc, Châu Phú (An Giang), từ năm, sáu năm trước, các nhà máy cá tra lần lượt mọc lên, đa số bằng tiền vay ngân hàng với mục tiêu chế biến cá tra xuất khẩu… Nay, có nhà máy màu sơn còn chưa nhạt, đã phải đóng cửa.

Chế biến cá tra tại công ty Việt An. Ảnh: Ảnh: Lê Hoàng Yến

Mười chết

Khu vực Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ) nay vắng vẻ, trái ngược hẳn với cảnh sáng sớm công nhân đổ vào hàng chục nhà máy. Người dân địa phương kể, doanh nghiệp cá tra còn hoạt động chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ngoài một số nhà máy đã đóng cửa, phá sản như B.A, TM, AK, còn lại những tên tuổi một thời như MN, NP, TN, TM, B.A cũng đang trong cảnh sống dở chết dở. Xuôi về hướng An Giang, tình hình cũng chẳng khá hơn. 7 giờ sáng một ngày cuối tuần, chúng tôi chỉ còn thấy công nhân tới nhà máy chế biến cá tra của Agrifish, Việt An, Nam Việt, Cửu Long Fish… làm việc. Những cái tên còn lại như V.N, C.T.C, T.A, B.S… thì thấy rất ít bóng dáng công nhân ra vào. Dân ở đây cho biết, có nơi đóng cửa im ỉm từ vài tháng nay.

Qua tìm hiểu, ngoại trừ một số nhà máy thừa nhận gặp khó khăn, số còn lại không thấy doanh nghiệp nào công bố phá sản. Người trong nghề cho hay, các doanh nghiệp rất sợ người ngoài biết thông tin xấu về mình, tránh bị chủ nợ tập trung xiết nợ. Một tuần rong ruổi trên quốc lộ 91, có rất nhiều ông chủ nhà máy trước đây chúng tôi khá thân quen, nhưng nay gọi điện xin gặp họ đều chối từ. Khi hỏi người dân sống quanh khu vực nhà máy, họ đều nói từ nhiều tháng nay không thấy ông chủ ghé, công nhân cũng vắng bóng. Theo người trong giới, đa số các nhà máy chế biến công suất nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Thảo, một người nuôi cá ở thị trấn Cái Dầu, Châu Phú, An Giang cho biết, trước đây nhà máy T.A (Châu Thành) là một trong những nhà máy ăn nên làm ra. Với công suất 60 tấn cá tra/ngày, có thời điểm nhà máy này tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 công nhân. Nhưng vài năm nay, tình hình hoạt động của T.A cứ ngày càng đi xuống, vừa rồi công ty này phải cho công ty C.P thuê lại nhà máy để làm gia công. “Nghe đâu T.A chỉ còn giữ lại nhà máy chế biến cá tra số 1, công suất nhỏ ở Châu Đốc”, ông Thảo nói.

Người còn lại sống khoẻ hơn

Trái ngược với hiện tượng làm ăn cầm chừng của các doanh nghiệp chế biến nhỏ, một số doanh nghiệp như Hùng Vương, Hùng Cá, Vĩnh Hoàn, Mekong Fish, Agrifish, Nam Việt, Việt An… vẫn duy trì sản lượng xuất khẩu nhờ đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu.

Mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), cho rằng có tới 80% doanh nghiệp ngành cá tra nói riêng, thuỷ sản nói chung phụ thuộc vốn vay ngân hàng. Ông Nam thừa nhận có rất nhiều rủi ro đối với dòng tiền vay như việc thừa thiếu nguyên liệu, giá cả thị trường bấp bênh, đặc biệt là khi đồng tiền vay sử dụng không đúng mục đích. Tại cồn Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ, chúng tôi được ông Úc Anh, một người nuôi cá cho rằng chính các nhà máy cá tra đã phá nát nghề nuôi cá. Ông Úc Anh dẫn chứng doanh nghiệp vay tiền ngân hàng bằng hợp đồng mua cá của dân, nhưng họ không trả ngay cho dân mà lấy tiền đó đi mua bất động sản, đầu tư sai mục đích.

Tình cảnh hiện nay dẫn đến một đợt thanh lọc trong nội bộ ngành cá tra. Các doanh nghiệp yếu, thiếu vốn, không còn khả năng hoạt động phải dần dần co cụm, chuyển đổi lại tài sản, nhà máy, vùng nuôi cho doanh nghiệp còn tiềm lực, lớn hơn. Chính vì vậy, số doanh nghiệp tuy giảm, nhưng ngành cá tra vẫn phát triển, thể hiện qua con số tăng trưởng xuất khẩu hơn 10% sản lượng, và 13% giá trị bốn tháng đầu năm nay.

Vasep thống kê giai đoạn từ 2007 – 2009 có 190 nhà máy cá tra, công suất thiết kế hơn 1,2 triệu tấn/năm xây dựng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nếu đem so sánh với năm 2003, số nhà máy tăng gấp 2, 3 lần, còn công suất thiết kế tăng 2,7 lần. Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep cho rằng đã đến lúc phải sắp xếp, cơ cấu lại ngành, từ tổ chức lại nuôi trồng, hướng đến ổn định chất lượng nguyên liệu đến bố trí, tổ chức lại nhà máy chế biến cho phù hợp. Với doanh số xuất khẩu khoảng
2 tỉ USD, chế biến hơn 1 triệu tấn nguyên liệu, ông nói không nhất thiết phải có hơn 100 nhà máy. “Chiến lược của ngành là sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện việc kiểm soát từ con giống, thức ăn, nuôi, chế biến và hướng tới xuất khẩu cá tra tuyệt đối không sử dụng hoá chất”, ông Minh nói.

Đứng ở góc độ thị trường, một số ý kiến còn cho rằng việc tự loại bỏ bớt các nhà máy yếu kém sẽ giảm sự cạnh tranh không lành mạnh. Lâu nay các doanh nghiệp nhỏ có lúc họ mua nguyên liệu với giá cao, bán thành phẩm giá thấp gây nên tình trạng phá giá…

Hoàng Bảy

SGTT.VN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)