Điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo như thế nào để sinh viên ngành kinh tế ra trường có thể thích ứng với đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động thế kỷ 21? Đó là những vấn đề được nêu lên tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM mới đây.
Thiếu kỹ năng mềm
Dù đánh giá cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kinh tế – quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, tân cử nhân kinh tế của trường khi đụng việc vẫn thiếu nhiều kỹ năng mềm, chưa thích ứng nhanh với môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao, nhiều thử thách.
Nhiều sinh viên ra trường nhưng còn thiếu kỹ năng mềm. Ảnh: Mai Hải
Từ thực tế tuyển chọn 20 ứng viên sáng giá ngành tài chính kế toán của Trường ĐH Kinh tế TPHCM vào công ty làm việc, bà Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Nestle Việt Nam, nhận định: “Tuy được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên sâu, có kỹ năng làm việc theo nhóm… nhưng khi thực tập hoặc bắt tay vào công việc cụ thể, nhiều sinh viên, tân cử nhân vẫn thiếu tự tin, năng động. Thậm chí, chỉ việc A, việc B thì họ chỉ dừng ở giới hạn đó và ít khi tìm tòi, sáng tạo, mở rộng thêm ranh giới đến việc C, D… Thực tế này cho thấy muốn trở thành những nhà quản lý tương lai, đòi hỏi các tân cử nhân kinh tế phải linh động tự phát triển bản thân, bổ sung thêm nhiều kỹ năng mềm hơn nữa”.
Tương tự, Th.S Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Giáo dục Ước mơ Xanh, cho rằng, có không ít sinh viên học 2 bằng đại học nhưng khi chạm thực tiễn công việc vẫn lộ điểm yếu, thiếu nhiều kỹ năng mềm. Vì thế, họ khó có thể thích ứng, đối phó với môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Trên thực tế, do khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm kinh phí đào tạo lại nên tân cử nhân kinh tế nào thụ động, không chủ động trang bị những kỹ năng mềm cho bản thân sẽ gặp nhiều trở ngại về công việc. Vietcombank chi nhánh TPHCM là đơn vị sử dụng 70% nguồn nhân lực từ các trường đại học kinh tế.
Từ thực tế tuyển dụng, Phó Giám đốc Huỳnh Song Hào thẳng thắn nhận xét: “Khi cọ sát với thực tiễn, nhiều sinh viên còn thụ động, vận dụng kiến thức, kỹ năng mềm một cách máy móc, thiếu linh hoạt, sáng tạo như mong muốn của đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập và tuyển dụng.” Điều này cho thấy giữa kiến thức học thuật – tiếp thu từ giảng đường đến thực tế công việc luôn có khoảng cách xa và nếu không sớm điều chỉnh, đổi mới thì sản phẩm đào tạo dù được gắn mác “chất lượng cao” từ những trường đại học có tên tuổi như ĐH Kinh tế TPHCM vẫn bị thị trường lao động lắc đầu.
Đề cập đến chìa khóa mở kho báu tri thức nhân loại – ngoại ngữ tiếng Anh, nhiều chuyên gia – nhà sử dụng lao động không chỉ chê khả năng nghe nói, giao tiếp yếu mà than phiền vì khó tìm được cử nhân kinh tế biết 2 đến 3 ngoại ngữ. Theo ông Huỳnh Song Hào, Vietcombank đang mở rộng hoạt động toàn cầu nên rất cần tuyển nhân lực quản trị biết sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ nhưng “đỏ mắt” để tìm ứng viên hội đủ yêu cầu.
Phát huy năng lực cá nhân
Trong xu thế toàn cầu hóa, cạnh tranh về nhân lực trong lĩnh vực kinh tế – quản trị kinh doanh diễn ra ngày càng khốc liệt, vì thế các chủ sử dụng lao động đều muốn “săn lùng” những cái đầu có chuyên môn cao, kiến thức sâu rộng, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành hoạt động kinh doanh.
Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt 93,7%, tuy nhiên trên thực tế, con số làm đúng chuyên ngành chưa cao. Nguyên nhân được các chuyên gia mổ xẻ là chương trình đào tạo chưa sát nhu cầu sử dụng, việc trang bị kỹ năng mềm để giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, nhất là kỹ năng quản lý, tự phát triển bản thân, làm việc với người khác, xử lý thông tin… vẫn còn nhiều bất cập. Từ thực tế tiếp nhận sinh viên Trường ĐH Kinh tế đến thực tập, nhiều ngân hàng, đơn vị kinh doanh nhận định tính chủ động, thể hiện năng lực cá nhân của sinh viên còn yếu, mờ nhạt.
Vì thế, để trám lỗ hổng này, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đề nghị nhà trường nên phân loại sinh viên để đào tạo, định hướng phát triển năng lực cá nhân, sở trường nghề nghiệp ngay từ những năm học đầu tiên. Có như thế mới phát hiện năng lực, thế mạnh của từng sinh viên, giúp họ chọn ngành học phù hợp. Việc chăm sóc sinh viên theo nhóm năng lực này có thể kêu gọi xã hội hóa – doanh nghiệp tham gia đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao như đào tạo các vị trí, chức danh công việc theo nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Tuy Trường ĐH Kinh tế TP đã có nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về kinh tế, quản trị kinh doanh cho các công ty, doanh nghiệp, đặc biệt tư vấn cho các tập đoàn, công ty VN nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực quản trị, chất lượng cao cho riêng công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Thực hiện Quyết định số 1231/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2011 – 2015, nhà trường đang xúc tiến thực hiện đề án này.
Theo đó, nhà trường sẽ đẩy mạnh việc hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu thực tế để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm sức đề kháng, tăng tốc phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh thời hội nhập kinh tế quốc tế.
"Để cung ứng cho xã hội những sản phẩm đào tạo chất lượng cao, thích ứng nhanh với đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động, Trường ĐH Kinh tế TPHCM không chỉ coi trọng mục tiêu gắn kết với doanh nghiệp để điều chỉnh, thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu đối tác mà còn chủ động đổi mới nội dung chương trình theo chuẩn hiện đại, liên thông với các trường đại học trên thế giới. Bên cạnh đó, việc tạo sân chơi – môi trường thực hành, hướng tới công nghệ mới nhằm tăng kiến thức thực tế, kỹ năng mềm cho sinh viên… luôn được nhà trường đầu tư, mở rộng" Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM |
Khánh Bình (SGGP)
Bình luận (0)