Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần tham tán

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu các tham tán Việt Nam tại nước ngoài và các địa phương, doanh nghiệp trong nước kết nối thông tin tốt hơn, xuất khẩu của Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng

Ngày 25-12, tham tán thương mại các nước, đại diện các tỉnh – thành phía Nam, các hiệp hội ngành nghề và hơn 300 doanh nghiệp (DN) đã tham dự hội nghị Tham tán thương mại năm 2013 do Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM.
Đóng vai trò quan trọng trong giao thương
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 264,8 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này đạt được một phần nhờ vai trò cầu nối giao thương của các tham tán Việt Nam tại nước ngoài. Ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ Mỹ, cho biết: “11 tháng năm 2013, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 23,2 tỉ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2012. Năm 2013, chúng ta thành công lớn với 2 vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm, kết quả là thuế suất mặt hàng này vào Mỹ là 0%. Đây cũng là yếu tố khiến xuất khẩu tôm, cá tra, cá basa sang Mỹ vào các tháng cuối năm tăng mạnh”.
Tuy nhiên, theo ông Nhân, hiện xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sang thị trường Mỹ đang đứng trước thách thức mới nếu Bộ Nông nghiệp nước này áp dụng quy trình từ nuôi trồng, sản xuất, đóng gói… phải có tiêu chuẩn tương đồng với Mỹ. Khi đó, Việt Nam phải mất 5-7 năm để đạt được và trong thời gian này không thể xuất khẩu 1 kg cá da trơn nào sang Mỹ. “Hiện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đang kết hợp với sứ quán tác động đến nhiều ban, ngành, hiệp hội của Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ, đồng thời làm việc với các luật sư để đấu tranh, hạ bớt mức thuế đối với sản phẩm cá tra, cá basa khi xuất khẩu sang Mỹ” – ông Đào Trần Nhân cho biết.
=
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ Mỹ, trao đổi với báo chí Ảnh: HỒNG THÚY
 Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường quan trọng hàng đầu đối với xuất khẩu thủy hải sản. Vấn đề lớn ở thị trường Mỹ là các vụ kiện bán phá giá. Còn tại thị trường EU, VASEP rất mong được các tham tán hỗ trợ cụ thể trong việc thiết lập các trung tâm phân phối thủy sản. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cũng đang tăng, DN mong nhận được sự hỗ trợ của các tham tán thương mại trong phát triển giao dịch chính ngạch để sản phẩm đi sâu vào thị trường này.
Đặt hàng các Thương vụ
Ông Hoàng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tại Bình Định, một số DN vay vốn đầu tư qua Campuchia trồng cao su đã trắng tay do thiếu thông tin dự báo. “Các địa phương rất chịu khó xúc tiến thương mại, bỏ tiền đi châu Âu, Mỹ để giới thiệu sản phẩm nhưng không hiệu quả. Vì vậy, rất cần các tham tán thương mại hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho DN các địa phương trong việc ký kết hợp đồng, xác minh đối tác tại nước ngoài để hạn chế trường hợp bị lừa” – ông Dũng đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đặt hàng Bộ Công Thương và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước nghiên cứu hỗ trợ các địa phương cập nhật tình hình thị trường, dự báo những biến động thị trường và những quy định pháp luật về đầu tư cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa, các chương trình hỗ trợ của chính phủ nước sở tại dành cho DN Việt Nam. Qua đó, cơ quan xúc tiến thương mại của địa phương có thể kịp thời cung cấp thông tin cho hiệp hội, hội ngành hàng cũng như DN trên địa bàn. Ngoài ra, trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch gia tăng, các rào cản thương mại phi thuế quan ngày càng phổ biến, rất cần các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với cơ quan chức năng trong nước cảnh báo, kịp thời thông tin, tư vấn cho DN trong nước. Cơ quan xúc tiến của địa phương cũng cần sự phối hợp của các Thương vụ trong việc quảng bá môi trường đầu tư, thực hiện việc kết nối DN…
Chưa làm tròn vai
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các cơ quan đại diện, tham tán thương mại có đóng góp lớn trong việc giúp DN khai thác tốt các cơ hội và điều kiện cụ thể ở những thị trường; nghiên cứu cung cấp thông tin kinh doanh, phát triển kinh tế, nắm bắt yêu cầu cụ thể của từng thị trường, cung cấp thông tin tư vấn về chính sách, kế hoạch đối phó và xử lý hiệu quả tranh chấp thương mại… Tuy nhiên, công tác thông tin trong và ngoài nước, cơ quan nhà nước với DN, DN với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… hiện còn bất cập, cần phải khắc phục.
theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)