Giám sát công tác quản lý Nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025 đối với Bảo hiểm xã hội (BHXH), Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân – Phó Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát – đề nghị BHXH TP phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nợ và xử lý các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm y tế (BHYT)…
Có doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hơn 30 tỷ đồng
Theo báo cáo của BHXH TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có hơn 121.940 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT với khoảng 2,5 triệu người tham gia BHXH và gần 8 triệu người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, các đại biểu trong đoàn giám sát của HĐND TP cho rằng, tình trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp còn nhiều, với số tiền nợ cao. Cụ thể, hơn 17.360 doanh nghiệp đang nợ 3.055 tỷ đồng tiền BHXH (từ 3 tháng trở lên). Trong đó có khoảng 40 doanh nghiệp nợ trên 6 tỷ đồng, thậm chí có doanh nghiệp nợ hơn 30 tỷ đồng.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Giám đốc BHXH TP – cho rằng, có nhiều doanh nghiệp không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động với nhiều cách khác nhau, như: Ký hợp đồng khoán, thử việc ngắt quãng, cộng tác viên, học việc…; thậm chí trốn tránh lực lượng thanh tra, kiểm tra. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT xảy ra khá phổ biến nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu, xử lý dứt điểm.
“BHXH TP đang thực hiện nhiều giải pháp để thu nợ BHXH như đôn đốc doanh nghiệp; phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM thông báo nhắc nợ; vận động, tuyên truyền để người lao động tham gia BHXH tự nguyện; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BHTN”, ông Thanh cho hay.
Bà Nguyễn Võ Minh Thư – Phó Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM – thừa nhận, việc các doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên hình thức xử lý vi phạm hành chính BHXH chưa đủ sức răn đe; thủ tục khởi kiện hay truy cứu trách nhiệm hình sự các doanh nghiệp trốn đóng BHXH còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tăng cường quản lý việc cho vay vốn giải quyết việc làm Cũng tại buổi giám sát, ông Bùi Văn Sổn – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM – đề nghị TP quan tâm, cân đối nguồn vốn ngân sách, bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt là chương trình cho vay giải quyết việc làm, bảo đảm hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội được ổn định, bền vững; đề nghị Công an TP phối hợp với các sở ngành liên quan sớm tham mưu, báo cáo trình UBND TP thông qua việc bố trí nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn phát triển kinh tế, sớm hòa nhập cộng đồng. Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhân – Phó Chủ tịch HĐND TP – đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội TP cần đánh giá nhu cầu sử dụng vốn vay, bổ sung kịp thời các đối tượng có nhu cầu vay vốn khi cần thiết. Qua đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là sau khi TP.HCM điều chỉnh tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc cho vay của các chi nhánh và việc sử dụng vốn của người được vay. Ông Nhân yêu cầu các sở ngành, địa phương cần nghiên cứu tham mưu UBND TP trong việc cân đối nguồn vốn ngân sách, bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. |
Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng của người lao động, ông Thanh – Phó Giám đốc BHXH TP – đề xuất HĐND TP có kiến nghị với các bộ ngành Trung ương, BHXH Việt Nam sớm xem xét bổ sung những quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Y tế xem xét bổ sung, mở rộng quyền lợi BHYT và khả năng chi trả của quỹ khi sửa đổi Luật BHYT. Việc điều chỉnh, mở rộng gói quyền lợi, phạm vi hưởng bảo hiểm đảm bảo khả năng chi trả của quỹ, người sử dụng lao động và ngân sách Nhà nước.
Quản lý chặt đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm
Từ thực tế này, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị BHXH TP tiếp tục hướng dẫn thủ tục, thực hiện hiệu quả việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tham gia BHXH. Cùng với đó, các đơn vị tổng hợp những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật trình UBND TP.HCM kịp thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương có phương án tháo gỡ.
Ngoài ra, BHXH TP và các đơn vị liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp, chưa được quy định trong pháp luật về thực hiện các chính sách BHXH; quy trình xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những doanh nghiệp nợ BHXH; biện pháp xử lý các doanh nghiệp vi phạm về đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Ông Nhân cũng đề nghị BHXH TP cùng các đơn vị liên quan giám sát, quản lý chặt chẽ những đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm; nhất là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lao động nước ngoài làm việc tại TP.HCM. Bên cạnh đó, kịp thời chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định pháp luật.
“Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nợ và xử lý các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn; tuyên truyền để người dân tham gia BHXH tự nguyện; nghiên cứu, đề xuất UBND TP các chính sách nhằm thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Các sở ban ngành, địa phương và đơn vị liên quan phối hợp với BHXH TP tăng cường tuyên truyền về những thiệt thòi khi nhận BHXH 1 lần nhằm hạn chế tình trạng người lao động rời hệ thống an sinh xã hội khi còn trong độ tuổi lao động; tuyên truyền nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo về BHXH, BHYT như mạo danh cán bộ BHXH để lấy thông tin của người tham gia…”, ông Nhân yêu cầu.
Văn Hướng
Bình luận (0)