Lãi suất vay vốn từ ngân hàng quá cao; điều kiện thực hiện thủ tục vay vốn bị làm khó dễ đã khiến doanh nghiệp (DN) vốn đã khó khăn trong sản xuất kinh doanh lại càng khó khăn hơn. Thực trạng này được cộng đồng DN nêu ra tại Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng – DN tại TP.HCM…
Lãi suất vay quá cao khiến nhiều doanh nghiệp làm không đủ trả lãi ngân hàng
Lời bao nhiêu… ngân hàng “ăn hết”
Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội DN Cơ khí – Điện TP.HCM – bức xúc: “Quy định 5 nhóm ngành được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp là 5,5% nhưng thực tế DN chuyển đổi số phải vay với mức lãi suất hơn 10%. Ngân hàng gửi thông tin cho vay với biên độ lãi suất 2,5% so với lãi suất huy động, tuy nhiên biên độ lãi suất cho vay lên đến 4-5%. Ngân hàng lãi, còn DN khóc vì… lãi suất vay”.
Đại diện nệm Vạn Thành tâm tư, một DN sản xuất chỉ thu được lãi 10-15%/năm, chưa kể nhiều loại chi phí đầu tư khác, song lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức hơn 15%, thậm chí 20% là không thể được, quá cao.
Hầu hết các DN bày tỏ thất vọng khi nhiều hoạt động đối thoại giữa ngân hàng với DN chưa mang lại sự mong đợi. Lợi nhuận của ngân hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2022, trong khi cộng đồng DN gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn và lãi suất. Các DN đều khẳng định, lãi suất cho vay ở mức tốt nhất để DN đầu tư, sản xuất có lãi phải dưới 10%.
Ông Văn Công Thật – Chủ tịch Hội DN Cần Giờ – kiến nghị, lãi suất cho vay 5-6% là tốt cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp để cộng đồng DN tiếp cận vốn vay thấp để thúc đẩy kinh doanh sản xuất.
“Với mức lãi suất cho vay cao như hiện nay, DN làm ra bao nhiêu đều bị lãi suất ăn hết”, ông Thật nói.
Không chỉ lao đao vì lãi suất vay cao, DN còn rơi vào tình trạng khát vốn trầm trọng nhưng khi đi vay lại bị các ngân hàng gây khó dễ.
Ông Tống kể: “Trước đây lãi suất tốt nên thế chấp tài sản đảm bảo. Khi thị trường lãi suất biến động theo chiều hướng tăng, tôi có tham khảo ở những ngân hàng khác và muốn rút tài sản đảm bảo sang tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên không thể rút sổ ra được vì ngân hàng làm khó, mặc dù không còn dư nợ vay. Gọi lên ngân hàng muốn được hỗ trợ, ngân hàng vịn hết lý do này đến lý do khác. Cách làm của ngân hàng khiến DN luôn luôn bị thua thiệt”.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuân Nguyên – cũng cho biết, ngân hàng không chấp nhận dùng tài sản thế chấp đất nông nghiệp để cho vay khiến công ty bị hụt, phải bù đắp vốn cá nhân từ 30-50 tỷ đồng. Chung hoàn cảnh này có DN phải bán bớt đất để lấy vốn phát triển, rất đau lòng.
“DN nông nghiệp phải có sự phát triển bền vững nên rất cần có sự đồng hành, không nên bị bỏ rơi như vậy. Cơ chế ở đây là Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp hỗ trợ”, ông Vũ nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, 2 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số hỗ trợ cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh đạt 469.000 tỷ đồng. Trong đó giảm lãi suất cho vay 300.000 tỷ đồng, tăng hạn mức tín dụng cho DN là 100.000 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ trên 9.000 tỷ đồng. Ngày 28-2, 16 ngân hàng thương mại ký kết với 64 DN với tổng vốn tín dụng 11.000 tỷ đồng. |
Đại diện một DN công nghệ châu Âu cho biết, công ty của ông được ưu tiên vay vốn từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ vì đáp ứng 3 chiến lược quốc gia – Đó là chiến lược xanh; chuyển đổi số và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, công ty không thể vay được vì quá trình triển khai quỹ từ quốc gia xuống đến ngân hàng mỗi nơi làm một kiểu. Cuối tháng 2 vừa qua, công ty đã liên hệ để vay vốn thì giám đốc chi nhánh nói kiểu này, trưởng phòng lại nói kiểu khác. Bên trên quy định một đằng nhưng phía dưới lại làm một nẻo sẽ khiến DN mất nhiều cơ hội, ảnh hưởng đến chuyển đổi khoa học công nghệ quốc gia…
Lãi suất cho vay đang giảm
Đây là khẳng định của ông Võ Minh Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM.
Chia sẻ với những khó khăn về vốn, lãi suất vay của các DN, ông Tuấn thừa nhận, thời gian qua lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Sắp tới lãi suất sẽ xuống dần theo diễn biến của thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới. Lãi suất tăng cao do nhiều lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất điều hành. Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ghi nhận ý kiến của cộng đồng DN, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – nhấn mạnh, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, DN liên tục than khó, than khổ. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nên cơ cấu lại nợ cho DN cũng như vấn đề lãi suất, vốn. Tháo gỡ về vốn và lãi suất rất quan trọng. DN phát triển thì TP mới phát triển…
Đối với việc triển khai các chính sách trên địa bàn TP, ông Mãi đề nghị các ngân hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho DN, bao gồm các cách hỗ trợ và cách DN tiếp cận. Việc triển khai chính sách của Trung ương trên địa bàn TP phải nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch như vậy chính sách mới đi vào cuộc sống. Các gói này chảy vào các dự án một cách hiệu quả thì ngân hàng cũng tránh được nợ xấu.
Theo ông Mãi, TP xác định cuối năm 2022, đầu 2023 với tình hình chung là khó khăn. Muốn triển khai nhanh các gói hỗ trợ cần phải nhận diện khó khăn, chặn đà khó khăn, hướng đến tăng cường phát triển kinh tế.
Kỳ vọng các tổ chức tín dụng tạo điều kiện tốt nhất để DN sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, ông Mãi cũng mong muốn các DN tự sắp xếp, tái cơ cấu, từ đó sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)