Chiều 14-5-2025, tại TP.Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị “Thích ứng trước thách thức thương mại toàn cầu: Cơ hội và hướng đi mới cho doanh nghiệp ĐBSCL”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tấn Thành – Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam, khái quát bức tranh kinh tế của vùng năm 2024. Theo đó, kinh tế vùng ĐBSCL tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, phần lớn nhờ nỗ lực của đội ngũ doanh nghiệp (DN) trong vùng. GRDP toàn vùng đạt 7,3%, vượt mức tăng trưởng năm 2023 là 6,6% và cao hơn mức bình quân cả nước là 7,1%. Nhiều tỉnh có mức tăng trưởng ấn tượng như Trà Vinh (10,04%), Hậu Giang (8,76%), Long An (8,3%), Kiên Giang (7,5%).
Qua khảo sát, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL Nguyễn Thị Thương Linh cũng dự báo về những thách thức của DN vùng ĐBSCL trong năm 2025 như: Lạm phát và chi phí sản xuất tăng, suy giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, tiếp cận đất đai và tìm địa điểm kinh doanh khó hơn, chất lượng giao thông kém ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và chất lượng hàng hóa, hạn mặn hoặc ngập lụt tác động đến vùng nguyên liệu…
Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng: Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng thương mại leo thang đã tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu… gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng gia tăng.

Trước tình hình đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước từ 8% trở lên. Trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực ĐBSCL có 4.981 DN mới gia nhập thị trường, chiếm 9,6% tổng DN mới đăng ký của cả nước, tổng vốn đăng ký là 39.575 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động.
Tại hội nghị, nhiều DN đề nghị được tham vấn và đề xuất chính sách nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh; xúc tiến thương mại; tăng cường năng lực kinh doanh cho DN thông qua đào tạo, tư vấn…

Trước các yêu cầu trên, bà Nguyễn Thị Thương Linh – Phó Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL, cho biết: VCCI chi nhánh ĐBSCL đã có kế hoạch đáp ứng. Với nhóm hoạt động về chính sách, sẽ xây dựng và công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2024 và Diễn đàn Chính sách Phát triển; thành lập câu lạc bộ tư vấn pháp luật cho DN; Phối hợp với địa phương tổ chức các hội thảo, cung cấp thông tin thiết yếu cho DN…
Về việc định hình chiến lược kinh doanh mới cho DN trước cuộc chiến thương mại toàn cầu, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết: Một trong những giải pháp thích ứng quan trọng của Việt Nam là có biện pháp giữ chân các DN nước ngoài (FDI) sản xuất những mặt hàng có giá trị cao. Bên cạnh đó, DN Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, phải nghiêm túc nhìn nhận những thách thức và bất lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh; đủ khả năng chịu đựng các cú sốc – bất ổn của nền kinh tế thế giới, trong đó có việc phải thực hiện đa dạng hóa thị trường.
Dịp này, VCCI chi nhánh ĐBSCL đã trao giấy chứng nhận cho 54 hội viên mới.
Đan Phượng
Bình luận (0)