Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021 và đóng góp gần 12% vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa cả năm; đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc, Banglades. Với hơn 7.000 nhà máy trên toàn quốc, sử dụng gần 3 triệu lao động, ngành dệt may không chỉ quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ và thách thức về phát triển bền vững liên quan đến sử dụng lao động và gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp dệt may không có lộ trình “xanh hóa” từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ bị đào thải…
Ngành dệt may sẽ thiệt hại nặng nề nếu không chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn
Tỷ lệ nội địa mới đạt 30-35%
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM – cho biết, dệt may là một trong những ngành tiêu thụ tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, có cường độ phát thải nhà kính cao. Nguồn lực thì đang bị hạn chế bởi biến đổi khí hậu, nguyên vật liệu, nguồn nước, điện, công nghệ, nhân lực. Cụ thể, nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu bông, xơ, vải, tỷ lệ nội địa hóa của ngành hiện mới đạt 30-35%. Điều này khiến doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng. Với khâu dệt nhuộm thì chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các dự án dệt, nhuộm đang nỗ lực bền vững hóa nhưng chưa nhận được sự ghi nhận từ một số địa phương.
Mặt khác, ngành hàng may mặc đang có thị trường xuất khẩu là những thị trường lớn, khó tính và có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao, tạo ra áp lực rất lớn. Áp lực này còn lớn hơn nữa khi xu thế tiêu dùng đang dần chuyển sang thời trang tuần hoàn, thời trang bền vững thay vì trào lưu thời trang nhanh như trước đây. Trong khi đó, việc chuyển đổi xanh, tuần hoàn đòi hỏi nhu cầu vốn đặc biệt lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện đáp ứng.
Ngành dệt may cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ 4.0; nhân lực cho các khâu dệt, nhuộm và thiết kế thời trang.
Một số chuyên gia khác cho rằng, dệt may thuộc nhóm sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm khí phát thải. Hiện có gần 100 tiêu chí đánh giá của các nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc và một số nước khác đối với dệt may Việt Nam. Quy định mới của EU yêu cầu hàng dệt may có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng được.
Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu có thể thu về 48 tỷ USD nhưng mục tiêu này đang gặp những thách thức do tình hình kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều bất ổn bởi lạm phát, chiến tranh, tiêu dùng giảm, thắt chặt tiền tệ. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các cường quốc dệt may khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ…
TS. Huỳnh Thanh Điền – chuyên gia kinh tế – nhận định: “Xuất khẩu dệt may ngày càng khó hơn vì Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới đặt ra nhiều tiêu chuẩn về “xanh hóa” tuần hoàn. Mặt khác, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng là thách thức cho ngành dệt may Việt Nam”.
Loại bỏ văn hóa “tiêu thụ và vứt bỏ”
Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có những thương hiệu ngang tầm quốc tế, nhất là khi Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26. Cùng với đó các thị trường nhập khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam đã đặt ra lộ trình và mục tiêu cụ thể về sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Điều này đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải thay đổi, “xanh hóa” để phát triển bền vững.
Muốn làm được điều này, theo ông Điền thì cần hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa “tiêu thụ và vứt bỏ”, loại bỏ sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế tạo ra rác thải, khí thải, ô nhiễm nguồn nước.
“Xu hướng kinh tế tuần hoàn không còn là khẩu hiệu mà phải hành động ngay từ bây giờ”, ông Điền nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM – cho rằng, nếu doanh nghiệp dệt may không có lộ trình “xanh hóa” từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ bị đào thải. Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế bao gồm tất cả các công đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối, sử dụng nguyên liệu đầu vào đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường và có các lợi ích cơ bản cho nền kinh tế.
Theo ông Huỳnh Thanh Trung – Giám đốc Công ty CP Leanwares, trước đây kinh tế đi một chiều từ nguyên liệu đến chất thải nhưng hiện xu thế tái chế, tuần hoàn ngày càng tăng. Khi xu hướng thay đổi, nhất là xu hướng các tiêu chuẩn Organic trên thế giới ngày càng nhiều bắt buộc chúng ta phải thay đổi và phải hành động.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực liên quan. Trong đó, quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và các bên liên quan. Đây là một hành trình dài, nhiều thử thách nhưng là con đường tất yếu để đi tới sự phát triển bền vững cho dệt may Việt Nam.
PGS.TS Quân nhấn mạnh: “Cần có sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công thương, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ số trong quá trình chuyển đổi xanh ngành dệt may. Chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ngành dệt may Việt Nam cần đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh vùng trồng nguyên liệu nội địa và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành dệt may. Đồng thời, tận dụng và tối ưu hóa đầu vào trong ngành dệt may thông qua thiết kế, phát triển và sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu tái tạo, tái sinh đáp ứng sản xuất. Ngoài ra cần đáp ứng mục tiêu thúc đẩy sản xuất sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và đẩy mạnh mạng lưới liên kết bền vững các doanh nghiệp dệt may trong cụm công nghiệp và các bên liên quan theo chuỗi giá trị; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may…”.
Phú Cát
Bình luận (0)