Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Doanh nghiệp đỏ mắt tìm lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Một tháng trước Tết, những chiếc bảng tin thông báo tuyển nhân sự tại cửa vào các khu công nghiệp ngày một thêm dày đặc. Nhưng dường như càng tìm càng thấy rõ sự thiếu hụt về nguồn lao động.
Đi dọc con đường trục chính của khu công nghiệp (KCN) Quang Minh (Mê Linh – Hà Nội), chúng tôi gặp liên tiếp những thông báo tuyển dụng dán ở cánh cổng các công ty.
Thiếu hụt nguồn cung cũng là cơ hội để các lao động tìm chỗ làm khác hấp dẫn hơn – Ảnh: Ly Ly
Trên đoạn đường gần 2 km, đi qua chừng 30 công ty đang hoạt động trong KCN này có tới 14 bảng thông báo tuyển dụng.
Một cán bộ thuộc Ban điều hành KCN Quang Minh cho biết: treo biển hầu hết là doanh nghiệp nước ngoài, nhiều doanh nghiệp VN "chán chả buồn treo".
Do vậy, theo cán bộ này, con số đơn vị cần tuyển lao động chắc chắn phải hơn 14.
Dạo một vòng quanh KCN Quang Minh, không khó để bắt gặp những thông báo như: Công ty TNHH Tràng An tuyển 7 vị trí gồm 2 công nhân hàn điện và 5 lao động phổ thông; công ty TNHH Great Việt Nam tuyển 3 lao động, công ty CP Gia Phú 2 lao động, công ty Marumitsu “do chưa nhận đủ số lượng cần thiết, cần tuyển thêm”…
Công ty sản xuất tóc giả Starhair treo biển quảng cáo tuyển dụng lao động chiếm gần hết diện tích chiếc cổng ra vào, lý do của việc này là công ty cần đến 100 lao động nữ trong thời gian ngắn.
Công ty TNHH sản xuất Phương Linh  đăng thông báo tuyển 22 nhân sự cho một số vị trí, nhưng một tháng rưỡi nay chưa thể tìm đủ số lượng.
Chị Trần Thị Thủy, phụ trách phòng nhân sự công ty cho biết: “Đã áp dụng nhiều biện pháp, kể cả khuyến khích những thành viên trong công ty giới thiệu người quen nhưng hiệu quả không đáng kể. Thời điểm cuối năm luôn vô cùng khó khăn”.
Khi cầu nhiều hơn cung, lao động có thêm những cơ hội lựa chọn chỗ làm tốt hơn. Tâm lý đó dẫn tới một số “cuộc tháo chạy” của lao động giữa các nhà máy trong cùng KCN, làm cho tình hình nhiều khi thêm căng thẳng.
Nguyễn Thị Anh, 22 tuổi, công nhân nhà máy Marumitsu nhận xét: “Bộ phận của tôi mỗi tuần có thêm 1 người mới vào, lúc nào cũng trong tình trạng 20 người thì 1 nửa là những người mới đến”.
“Khát” lao động nữ
Càng gần nội đô, sự thiếu hụt lao động càng trở nên rõ ràng, nhưng chủ yếu là nhu cầu về lao động nữ. Bảng tin chung trước cổng vào KCN Thăng Long chi chít những thông báo của hầu hết các công ty trong KCN này.
Công ty Hoya tuyển 500 nguời, Panasonic Communication chuyên sản xuất thiết bị điện thoại tuyển 500 nữ, Panasonic Electric tuyển 50 công nhân nữ lắp rắp linh kiện, Fujikin tuyển 30 người…
Tại khu vực dán thông báo vào giờ tan tầm chúng tôi quan sát trong 15 phút thì hầu hết là công nhân trong KCN, tiện làm về thì ghé qua xem, chứ ít thấy người ở nơi khác đến tham khảo.
Vũ Thị Mai (TP Nam Định), công nhân trong KCN Thăng Long cho biết: “Có chỗ làm, nhưng chúng em thường xuyên đảo qua bảng tin, có chỗ nào hấp dẫn hơn hiện tại thì nộp hồ sơ”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Minh Thuần, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội cho biết, đây là bài toán khó giải từ nhiều năm nay.
Trong thời gian này, hầu hết các doanh nghiệp đều rất khó hoặc không thể tìm đủ nguồn lao động cần, vài chục vị trí chứ đừng nói tới cả trăm người.
Lý do thì có nhiều nhưng cơ bản là do phần đông người lao động có chung tâm lý tránh thời điểm “ngày cùng tháng tận” để lên Hà Nội, rằng "ăn Tết xong rồi tính tiếp".
“Khi xuất khẩu đang tăng vì các đơn hàng sản xuất trong kế hoạch năm mới, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, không chỉ người lao động mất cơ hội tìm việc, mà nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài cũng phải chịu thiệt hại theo. Đã đến lúc cần tính đến một giải pháp cụ thể về nguồn lao động vào thời điểm cuối năm âm lịch, nhưng lại là đầu năm dương lịch này”, ông Thuần nói.
Ly Ly/ TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)