Chênh lệch quá lớn giữa lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đổ xô đi vay USD. Cung tín dụng USD tăng vọt, tốc độ tăng trong sáu tháng đầu năm gấp gần chục lần so với VND và tăng gấp gần 2,5 lần so với tốc độ huy động vốn ngoại tệ này.
Vay USD rẻ bằng 1/3 vay VND
Bà Nguyễn Thị Đoan, tổng giám đốc công ty TNHH tư vấn và thương mại quốc tế Hoàng Dương, chuyên kinh doanh các mặt hàng cơ khí phục vụ cho nông nghiệp, cho biết: “Hiện nay, vay USD rõ ràng rẻ hơn nhiều so với vay VND”. Nếu vay 3 tỉ đồng bằng tiền đồng, theo bà Đoan, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng số tiền xấp xỉ 60 triệu đồng. Trong khi vay USD rồi đổi sang tiền đồng, tiền lãi mỗi tháng là 900 USD, tương đương với 19 triệu đồng. Tính toán trên là một trong các nguyên nhân chính khiến cho cầu tín dụng USD tăng nhanh và tăng mạnh trong thời gian qua. Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước, sáu tháng đầu năm, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,05%, trong đó, tín dụng USD tăng tới 22,21%, gấp hơn 2,4 lần so với tốc độ tăng huy động vốn, trong khi tốc độ tăng tín dụng tiền đồng chỉ ở mức 2,72%.
Cầu tín dụng quá lớn so với khả năng huy động vốn, nên hầu hết các ngân hàng thời gian qua đã phải tìm đủ cách lách quy định về trần lãi suất huy động USD.
Cầu tín dụng quá lớn so với khả năng huy động vốn, nên hầu hết các ngân hàng thời gian qua đã phải tìm đủ cách lách quy định về trần lãi suất huy động USD, buộc cơ quan quản lý phải khống chế ở mức 2%/năm.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM, trên thực tế, cầu tín dụng USD lớn hơn nhiều lần so với con số báo cáo, nhưng ít nhiều bị hạn chế bởi điều kiện vay khá chặt chẽ theo quy định mới đây của ngân hàng Nhà nước. Ông chia sẻ thêm, doanh nghiệp cũng tìm cách lách quy định và trong một số trường hợp ngân hàng cũng cho qua, bởi ngân hàng cũng không dư dả nguồn tiền đồng và trông đợi phần nhiều vào tăng trưởng tín dụng ngoại tệ.
Tăng sức ép thị trường ngoại hối cuối năm
“Bên cạnh lợi ích tính được ngay từ sự chênh lệch quá lớn về lãi suất giữa VND và USD, diễn biến tỷ giá ổn định ở mức “phải chăng”, rủi ro phá giá VND trong ngắn hạn thấp, diễn biến này càng khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn đồng ngoại tệ này, nhất là trong ngắn và trung hạn”, ông Phạm Thế Anh, giảng viên trường đại học Kinh tế quốc dân, nhận xét. Tốc độ tăng quá cao của tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sáu tháng khiến ông Thế Anh đặt dấu hỏi về khả năng kiểm soát của ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại trong thực hiện quy định về điều kiện vay ngoại tệ. Theo ông, bài toán chi phí sẽ buộc các doanh nghiệp phải lựa, lách, miễn sao tiếp cận được vốn ngoại tệ. Trên thực tế, doanh nghiệp đang nắm giữ USD, sẽ sẵn sàng bán cho ngân hàng để được vay vốn ngoại tệ, bởi lợi ích kinh tế chênh lệch rất lớn.
Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa e ngại, trong ngắn và trung hạn, có nguy cơ doanh nghiệp đổ xô đi mua USD khi đến kỳ trả nợ, và như vậy gây nên hiện tượng căng thẳng nhất thời trên thị trường ngoại hối. Theo ông Nghĩa, ngân hàng Nhà nước nên sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để kéo gần khoảng cách về lãi suất giữa hai đồng tiền. “Chính sách khống chế trần lãi suất huy động USD cũng như một loạt biện pháp khác, mặt nào đó cũng có tác dụng giữ ổn định thị trường ngoại hối trong ngắn hạn. Nhưng về lâu đài, và sâu xa, vẫn là phải tiếp tục giảm lạm phát để có thể hạ dần mặt bằng lãi suất tiền đồng, mặt khác, phải tiếp tục mạnh tay với các chính sách kiểm soát nhập siêu”, ông Nghĩa nói.
Thảo Nguyễn / SGTT
Tin liên quan
Ngày 15-11-2024, UBND TP.Cần Thơ phối hợp Viện Kinh tế - Xã hội TP long trọng tổ chức Diễn đàn Kinh tế...
Ngày 14-11, tại TP.Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công thương tổ chức diễn đàn “Khu thương mại tự...
Tối 4-11-2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam đã diễn ra lễ công bố “Thương hiệu quốc gia 2024-2026"...
Ngày 1-11-2024, TP.Cần Thơ long trọng khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2024. Ông Nguyễn Văn Hiếu...
Bình luận (0)