Thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu, thị trường biến động… là những khó khăn mà các doanh nghiệp ở TPHCM phải đối mặt khi trở lại hoạt động sau 4 tháng giãn cách xã hội. Lãnh đạo các doanh nghiệp mong có những chính sách đồng bộ giữa các địa phương để đầu vào, đầu ra được thông suốt.
Bước vào cuộc khởi nghiệp mới
Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) – cho biết, đến nay, vẫn chưa có hệ thống quản lý việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho các doanh nghiệp (DN), không có cơ chế liên thông về vắc xin giữa các tỉnh, thành nên có nơi công nhân được tiêm, có nơi vẫn chưa. Hiện chỉ có 30% DN ngành gỗ sản xuất theo phương thức “ba tại chỗ”, lực lượng lao động tại mỗi DN chỉ còn khoảng 30-40% và chỉ có lực lượng này được tiêm vắc xin (1-2 mũi).
Có khoảng 30% lao động của ngành đang ở các tỉnh giáp ranh TPHCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Mặc dù các tỉnh này công bố tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân đạt 80-90% nhưng chỉ một số DN cập nhật được tỷ lệ người lao động được tiêm. Khoảng 30% lao động của ngành ở các tỉnh xa TPHCM như Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre chưa được tiêm vắc xin, DN muốn đăng ký cũng không được và không có đầu mối cập nhật.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị các tỉnh, thành phố có sự thống nhất trong quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp tập hợp lao động, khôi phục sản xuất (trong ảnh: Nhà máy của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tại Củ Chi). Ảnh: Quốc Thái
Ông Trần Minh Tú – Giám đốc điều hành nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn – cho biết, DN đã chủ động nhập nguyên vật liệu từ trước, đủ để sản xuất đến cuối năm. Vấn đề các DN đang lo là lực lượng lao động kỹ thuật được DN đào tạo đang mắc kẹt ở các địa phương khác và lực lượng này không phải cứ tuyển là có.
Hiện nhà máy sản xuất đặt tại H.Củ Chi (TPHCM), lượng lao động cư trú ở huyện này chiếm khoảng 30%. Vừa qua, DN cũng chủ động lập nhiều nhóm để kêu gọi công nhân cư trú ở các quận, huyện khác của TPHCM tự đăng ký tiêm vắc xin mũi thứ hai tại nơi cư trú và số này chiếm khoảng 30%; phần còn lại chưa tiêm và DN cũng không có đầu mối thông tin. Việc đưa vắc xin về địa phương tự tiêm mà không phân bổ cho DN khiến DN bị động vì có những khâu cần người nhưng công nhân lại chưa được tiêm vắc xin.
Theo ông, khi TPHCM mở cửa (dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội), DN sẽ sử dụng lực lượng lao động đang có để duy trì sản xuất nhưng Củ Chi đang là “vùng xanh” (không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng), không rõ UBND huyện này có cho phép người lao động từ các “vùng cam”, “vùng đỏ” (có nguy cơ và nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh) đến nhà máy làm việc hay không. Nếu đã mở cửa cho hoạt động thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, như cấp phép di chuyển cho công nhân.
Ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TPHCM (HBA) – ví von, việc phục hồi sản xuất của 700 nhà máy trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao giống như một cuộc khởi nghiệp mới. Mặc dù tài sản, nhà máy, cơ sở vật chất còn nguyên đó nhưng DN sẽ phải làm lại từ đầu, từ khâu tuyển công nhân cho đến thiết lập kế hoạch sản xuất, tìm kiếm thị trường.
Trong tổng số 280.000 công nhân của 700 nhà máy, hiện chỉ có 70.000 công nhân đang sản xuất “ba tại chỗ”, còn lại đều đang ở ngoài nhà máy, ở các tỉnh, thành khác. Do chưa tập trung đủ công nhân nên khi mở cửa, chắc chắn sẽ không có sự đồng bộ mà có DN mở cửa trước, có DN mở cửa sau.
Trong khi đó, có thể nhà máy A là đầu ra của nhà máy B và nhà máy B là đầu vào của nhà máy C bởi các nhà máy luôn có sự gắn kết với nhau. Nếu nhà máy làm ra sợi hoạt động nhưng nhà máy may không hoạt động thì chuỗi sản xuất vẫn bị đứt gãy. Để đồng bộ trong sản xuất, cần hỗ trợ DN trong việc tập hợp người lao động, ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng này và DN sẽ là đầu mối chứ không phải địa phương. Ông Nguyễn Văn Bé đề nghị: “Hiện các DN đã thế chấp hết tài sản nên rất cần có chính sách hỗ trợ họ vay vốn lưu động với lãi suất thấp để tái sản xuất, chuyển đổi số”.
Chờ kế hoạch của UBND thành phố
Bà Huỳnh Phương Trinh – Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Bột Quốc Tế (Intermix) – cho biết, công ty đang sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” với khoảng 30% nhân viên (60/180 người), tốn nhiều chi phí nhưng sản lượng thấp. Giá nguyên liệu nhập về từ châu Âu, Nhật Bản và chi phí lưu container hàng tại bãi tăng đến 20%. Nhiều tháng nay, công ty chuyển sang nhập nguyên liệu theo container lớn (20-30 tấn), hạn chế nhập container lẻ (1-2 tấn). Nguyên liệu nhập khẩu hiện nay không thiếu nhưng quá trình vận chuyển lại khó khăn và hàng bị kẹt trong kho bãi ở cảng nên vẫn có thể “đứt” dòng nguyên liệu bất cứ lúc nào khiến nhà máy không thể hoạt động. Thông thường, hàng nhập về Việt Nam khoảng 2-3 ngày là nhận được nhưng trong đợt giãn cách xã hội vừa rồi, hơn một tháng, hàng mới về tới kho.
Bà Huỳnh Phương Trinh thông tin: “Chúng tôi áp dụng mô hình “ba tại chỗ” khá lâu rồi, chi phí quá lớn nên chúng tôi mong nhất lúc này là có một mô hình hiệu quả hơn để tiếp tục sản xuất. Nên cho phép DN tự chủ lập phương án phòng, chống dịch, thực hiện 5K… Hiện công ty vẫn chưa biết UBND TPHCM sẽ cho phép tái sản xuất như thế nào nên còn khá bị động, phải chờ thông báo cụ thể mới sắp xếp được nguồn lao động để tăng năng suất”.
Bà Lê Thị Giàu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây – cũng mong được phục hồi sản xuất hoàn toàn vì hơn ba tháng nay, công ty phải sản xuất “ba tại chỗ” với khoảng 30% (100 trong số hơn 300 công nhân). Phần lớn công nhân của công ty đã được tiêm vắc xin, trong đó có hơn 2/3 đã tiêm đủ 2 mũi. Năng suất hiện chỉ đạt khoảng 50% so với trước dịch nhưng bà cho hay, công ty cố gắng đáp ứng kịp thời hàng hóa cho thị trường. Bà không lo về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để sản xuất mì gói, phở gói… vì công ty nhập 100% nguyên liệu trong nước, nhưng nếu kéo dài biện pháp giãn cách xã hội, công ty vẫn gặp khó trong khâu vận chuyển hàng hóa, đi lại làm việc.
“Nếu có chủ trương cho mở cửa sản xuất, UBND TPHCM cần sớm triển khai đồng loạt, đồng bộ nhiều giải pháp, mới đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Hiện khâu kiểm tra người qua lại ở các chốt chặn còn bất cập. Khi công nhân đi làm trở lại, lưu lượng người sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay, nếu dồn ứ tại chốt kiểm tra thì nguy cơ lây nhiễm dịch càng cao. Nhà nước nên sử dụng một phần mềm quản lý thống nhất, khai báo phòng, chống dịch trên toàn quốc. UBND TP.HCM nên để chủ DN tự chịu trách nhiệm về việc phòng, chống lây lan dịch. Các DN đều mong được trao quyền chủ động về phương thức tổ chức sản xuất, phòng, chống dịch trong DN để chủ động sắp xếp, điều phối bộ máy phục hồi sản xuất hiệu quả song song với phòng, chống dịch” – bà Lê Thị Giàu nêu ý kiến.
Theo chuyên gia kinh tế – tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần phải có kế hoạch cụ thể, thông báo rõ ràng và thực hiện đúng theo thông báo để DN chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh chứ không nên “ném đá dò đường”, thông tin từng bước…. Đồng thời, chính quyền cần đẩy mạnh việc nhập khẩu và tiêm vắc-xin phủ rộng để người lao động được an toàn; nhanh chóng khai thông chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất giữa các địa phương, các cảng. |
Theo Nguyễn Cẩm – Thanh Hoa/PNO
Bình luận (0)