Do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành du lịch Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đi đến phá sản…
Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Quảng Nam, các thị trường khách đến địa phương trong giai đoạn này và vài tháng tới suy giảm mạnh. Trong đó, thị trường MICE rất nặng, ước tính giảm 95%, các thị trường lữ hành thuần túy hủy tour lên đến 80%, các doanh nghiệp khách sạn tỷ lệ lấp phòng giảm đến 80%.
Các cửa hàng may đo ở Hội An vắng khách
Các điểm tham quan du lịch và điểm đến đều bị thiệt hại và giảm sút so với cùng kỳ tháng 2/2019. Thị trường nguồn khách thay đổi, theo thống kê lượt khách lưu trú tại Quảng Nam trong tháng 2/2020 giảm đến 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Ước tính tổng thiệt hại ngành du lịch Quảng Nam lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Theo các chuyên gia du lịch, dự đoán tình hình thiệt hại còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
Các quầy hàng lưu niệm cũng thưa khách
Theo kiến nghị của Hiệp hội du lịch Quảng Nam, trong khi chờ đợi quyết định của Chính phủ về giảm thuế cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch thiệt hại trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19 thì UBND tỉnh có chủ trương hỗ trợ chính sách chậm nộp.
Theo đó các khoản thuế VAT của quý IV năm 2019 và quý 1,2 của năm 2020 sang quý 3 và 4 năm 2020; chậm nộp Bảo hiểm xã hội các tháng còn lại của quý 1 và quý 2 năm 2020 sang quý 3 và 4 năm 2020; xem xét giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong hai năm 2020 và 2021 nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch…
Dịch vụ chèo thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu cũng rơi vào cảnh đìu hiu
Hiệp hội du lịch Quảng Nam cũng đề nghị lập tổ kích cầu, xây dựng các gói kích cầu dòng sản phẩm đặc thù Quảng Nam để hỗ trợ cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ cùng chung tay trong chiến lược kích cầu chung của tỉnh. Trong đó UBND tỉnh xem xét hỗ trợ các gói kích cầu phát huy dòng sản phẩm du lịch tỉnh nhà bằng cách hỗ trợ giá bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp để thu hút khách.
Trong gói kích cầu này, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các địa phương quản lý điểm đến như Khu đền tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, rừng dừa Cẩm Thanh, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm… giảm vé tham quan các điểm du lịch bằng cách hỗ trợ chính sách cho khách tham quan (không lưu trú) đủ 5 khách giảm 1 vé, ưu tiên khách lưu trú tại Quảng Nam đủ 5 khách-giảm 2 vé.
Về những đề xuất của Hiệp hội du lịch để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vực dậy ngành du lịch của tỉnh, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ghi nhận và chỉ đạo các sở, ngành tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.
Ông Lê Trí Thanh đề nghị Hiệp hội du lịch cùng với Sở VH-TT&TT phối hợp với Sở Tài chính xây dựng gói kích cầu du lịch. Cân đối với khả năng ngân sách, kinh phí xã hội hóa trên cơ sở dự toán đã được phân bổ cho ngành rồi bổ sung.
Đối với việc giảm vé vào các điểm tham quan, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho là cần thiết, còn giảm như thế nào thì giao các ngành cùng địa phương tính toán. Về thành lập quỹ xúc tiến du lịch, ông Thanh cho rằng nếu thành lập quỹ không liên quan đến ngân sách thì tự do làm, nếu liên quan đến ngân sách thì phải bàn lại. Mục đích là để ngành du lịch của tỉnh phục hồi sau khi dịch kết thúc.
Theo thống kê, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tháng 1/2020 đạt 588.000 lượt khách, tăng 7,37% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khách quốc tế đạt 455.000 lượt, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 133.000 lượt, tăng 10,07% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch tháng 1/2020 đạt 495 tỷ đồng, tăng 11,24% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 1.163 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong tháng 2/2020, với những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh trên thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khách hủy tour (khoảng 70%), hủy phòng, hủy dịch vụ số lượng lớn, lượng khách mới đặt dịch vụ giảm mạnh.
Một số doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân viên, cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí, đặc biệt là khối khách sạn, nhà hàng. Một số đơn vị phải đóng cửa tạm ngừng hoạt động. Ngoài các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, các khu, điểm du lịch cũng bị ảnh hưởng.
Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tháng 2/2020 ước đạt 340.000 lượt, giảm 42,9% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khách quốc tế ước đạt 273.000 lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa ước đạt 67.000 lượt, giảm 63,19% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó khách tham quan ước đạt 195.000 lượt khách, giảm 51,25% so với cùng kỳ năm 2019, khách lưu trú du lịch ước đạt 145.000 lượt, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch tháng 2/2020 ước đạt 294 tỷ đồng, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 799 tỷ đồng.
|
Công Bính (theo dantri)
Bình luận (0)