Đã qua 10 tháng đầu năm 2014 nhưng tình hình sức mua trên thị trường vẫn chưa thực sự phục hồi. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại sẽ khó hoàn thành các chỉ tiêu năm 2014.
Khó chồng khó!
Kết thúc mùa kinh doanh phục vụ năm học 2014 – 2015, phó giám đốc một công ty chuyên sản xuất cặp – túi xách cho biết, những tưởng năm 2014 việc kinh doanh sẽ khá hơn nhưng thực tế lại không như vậy. Để ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất, ngay từ đầu năm công ty phải huy động mọi nguồn vốn để mua nguyên, phụ liệu. Theo đó, giá nguyên liệu đều tăng bình quân 15% – 20% so với cùng kỳ năm trước, cộng với các khoản chi phí khác cũng tăng chóng mặt (như phí vận chuyển, chiết khấu, chi phí quầy kệ, phí mở mã hàng mới…) nhưng khi xây dựng giá bán, DN cũng cân nhắc đủ đường, cuối cùng đành đưa ra mức giá ngang bằng năm ngoái.
Theo lý giải của vị phó giám đốc này, trong tình hình khó khăn hiện nay, nếu tăng giá chắc chắn sẽ không thể bán được hàng vì cặp và túi xách không phải là mặt hàng thiết yếu buộc phải mua. “Nhờ chấp nhận việc sản xuất không công, chúng tôi đã bán được 90% lượng hàng sản xuất. Kinh doanh trong thời buổi “khó chồng khó”, điều mong mỏi lớn nhất của DN là bán được hàng bằng mọi giá để duy trì công ăn việc làm, chờ nền kinh tế sẽ tốt hơn. Cách làm này tuy phá vỡ các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2014 nhưng còn hơn cứ luẩn quẩn trong bài toán giá thành – lợi nhuận, chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh” – phó giám đốc DN nói.
Người dân ngày càng chi tiêu ít hơn, ngay cả với các thực phẩm thiết yếu. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt cũng cho rằng, còn gần 2 tháng nữa kết thúc năm tài chính 2014 nhưng diễn tiến của nền kinh tế từ đầu năm đến nay chưa tốt lên, thậm chí sức mua đang có dấu hiệu giảm. Mặc dù lãi suất giảm nhưng do sức mua yếu nên nhiều DN chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong ngành chăn nuôi, gần đây không DN nào có ý định tăng tổng đàn, thậm chí đã xuất hiện một số DN buộc giảm sản lượng. Nguyên nhân sâu xa, chính là các DN chăn nuôi trong nước những năm gần đây liên tục rơi vào tình trạng làm ăn không có lãi do mức độ cạnh tranh ngày càng lớn. Ở mặt hàng trứng gà công nghiệp, một số công ty, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã không “đối đầu” được với các tập đoàn nước ngoài tại VN. Mức độ đầu tư của DN FDI trong lĩnh vực chăn nuôi ngày càng mạnh mẽ, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các DN trong nước. Để tồn tại, Công ty Vĩnh Thành Đạt đã cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh như đầu tư mạnh cho các sản phẩm mới hoặc mặt hàng mà DN FDI chưa phát triển, như chuyển một phần việc nuôi gà công nghiệp đẻ trứng sang gà ác, nuôi vịt đẻ trứng, đồng thời khép kín quy trình chăn nuôi và cung ứng trứng ra thị trường, thoát khỏi tình trạng phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài, từ đó chủ động hơn về giá bán.
Sức mua quá yếu
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, 10 tháng qua, Vissan đã đạt 85% kế hoạch doanh thu và sản lượng, tăng 5% so với cùng kỳ 2013. Với đà này, năm 2014, doanh thu sẽ chỉ tăng 5%, không thể chạm tới 10% như kế hoạch ban đầu. “Để đạt mức tăng 5%, công ty rất chật vật và nỗ lực rất lớn do sức mua chỉ tốt lên ở một vài thời điểm, sau đó lại rớt xuống. Thực phẩm là mặt hàng thiết yếu nhưng theo người dân đang rất dè sẻn trong tiêu dùng” – ông Văn Đức Mười lo ngại.
Những năm trước, ngành hàng tiêu dùng nhanh luôn có mức tăng trưởng “nóng” nhưng nay cũng giảm mạnh. Hậu quả là một số DN vay vốn để đầu tư, mở rộng nhà máy, nay hàng hóa không bán được, đành phải ngậm “quả đắng”. Tổng giám đốc một công ty giấy (đề nghị giấu tên) cho hay, sức mua năm 2014 không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí tại một số vùng, miền đang có dấu hiệu giảm. Công ty đã tìm mọi cách để “cắt lỗ” nhưng không thấm vào đâu so với số tiền đầu tư quá lớn. Tương tự, tổng giám đốc một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM thừa nhận, sức mua đang rất yếu, nếu không tính doanh số từ các điểm bán mới mở thì DN doanh thu gần như không tăng. Bài toán duy nhất để kích cầu tiêu dùng là phải khuyến mãi giảm giá, bất chấp nhiều mặt hàng phải bán với giá vốn.
Trưởng phòng kinh doanh một công ty thực phẩm cho biết, thời gian này hầu hết nhân viên trong phòng đều phải ngược xuôi ở ngoài đường hoặc “nằm vùng” ở các tỉnh, thành để tìm kiếm, phát triển thêm điểm bán mới. Mặt khác, công ty cũng tham gia hầu hết các hội chợ trong và ngoài nước để tổ chức các đợt quảng bá sản phẩm, thông qua khuyến mãi để mở thêm thị phần. Tuy nhiên, những nỗ lực của các DN hiện chỉ mang tính chất tự thân, không bền vững.
Ở tầm vĩ mô, theo các DN, những nỗ lực của Chính phủ là đáng ghi nhận nhưng kinh tế vẫn chậm chuyển dịch, trừ lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh. Điều quan trọng, Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế, hành lang pháp lý theo hướng minh bạch, công khai mới có thể thúc đẩy mọi nguồn lực tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cho các DN trong hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước, từng bước kiến tạo được một nền kinh tế thị trường dựa vào sức mua nội địa, thúc đẩy DN phát triển bền vững.
THÚY HẢI
(SGGP)
Bình luận (0)