Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp FDI: Hậu kiểm là tất yếu

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mà lợi tức từ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên đà giảm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), quyết lập lại trật tự hoạt động khu vực doanh nghiệp này, khi công bố Dự thảo thông tư quy định về công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án FDI để lấy ý kiến các bên liên quan. Đến lúc những biểu hiện "lỗ trường kỳ, chậm đóng thuế, xé rào chuyển giá” được chấn chỉnh lại.

Ảnh: Hoàng Long

Phân loại doanh nghiệp FDI

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, đầu tư nước ngoài đáng ra phải mang tiền nước ngoài vào đầu tư nhưng ngược lại, họ vào trong nước huy động đầu tư. Mặt trái của các doanh nghiệp FDI đang ngày phức tạp. Do vậy, cần phải "nắn” lại hoạt động của khu vực kinh tế này mà vẫn không làm ảnh hưởng môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Một dự thảo mới đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước có thể tiến hành thanh, kiểm tra doanh nghiệp FDI tại bất kỳ thời điểm nào. Hoặc là kiểm tra định kỳ trên cơ sở kế hoạch kiểm tra chuyên đề hàng năm, hoặc kiểm tra đột xuất theo từng vụ việc căn cứ yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc qua phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nội dung kiểm tra bao gồm việc thực hiện các mục tiêu quy định tại giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tiến độ góp vốn điều lệ/vốn đầu tư; tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động; chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động; việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tình hình thuê đất và sử dụng đất và các nội dung khác.

Trên cơ sở kiểm tra, từ đó sẽ tiến hành phân loại dự án theo các nhóm A, B, C và cơ quan quản lý sẽ có biện pháp tương ứng trong quá trình quản lý các dự án. Cụ thể, nhóm dự án hạng A là các dự án tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và các quy định của giấy chứng nhận đầu tư; có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và ngân sách nhà nước. Được xem xét khen thưởng, ưu tiên với các đề xuất xin mở rộng quy mô hoạt động, bổ sung mục tiêu hoạt động, xin đầu tư thêm dự án mới,…

Nhóm dự án hạng B là các dự án nhóm này chưa đáp ứng các quy định của pháp luật và tại giấy chứng nhận đầu tư do các lý do và nguyên nhân khách quan, ví dụ như chậm được giao mặt bằng. Nhóm dự án hạng C là các dự án nhóm này không đáp ứng các quy định của pháp luật.

Có chỉnh được hoạt động đầu tư?

Việc công bố dự thảo chắc chắn đem lại nhiều phản ứng khác nhau. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện quá trình đầu tư nghiêm túc sẽ "hoan hỉ”, ngược lại các nhóm doanh nghiệp thường xuyên báo lỗ phải lo lắng. Ngoài việc bị "bóc mẽ” công bố danh tính, thì các dự án hay nằm "vòng ngoài pháp luật” không thể thoải mái mở rộng đầu tư. Việc phân loại buộc các chủ dự án thuộc các nhóm đều phải nỗ lực nếu muốn lên hạng và không bị tụt hạng. Việt Nam không thể duy trì một chính sách cào bằng: về nhân công, về giá đất cho tất cả nhà đầu tư nào.

Trong bối cảnh dòng vốn FDI vào châu Á, trong đó có Việt Nam đang bị gián đoạn do khó khăn kinh tế thế giới, Việt Nam cần đặt lại trọng tâm chiến lược thu hút FDI và giám sát chặt hơn trong việc quản lý hoạt động. Quá trình làm ăn, hoạt động của khối này phải ăn khớp với các chương trình công nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội và khai thác được tốt nhất lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, động thái sau khi kiểm tra các dự án "bất bình thường” phải đưa ra được biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng nhờn thuốc, cộng đồng doanh nghiệp FDI không tâm phục khẩu phục. Nếu không công khai minh bạch việc kiểm tra, xử lý sẽ gây phản ứng phụ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định, sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư "ba không” (không biết mặt nhà đầu tư, không biết địa điểm hoạt động của doanh nghiệp ở đâu và không biết doanh nghiệp đó hoạt động như thế nào) – thực tiễn đáng báo động tại khối doanh nghiệp FDI, tình trạng này cần phải "khai tử” và đương nhiên biện pháp cốt tử là đẩy mạnh khâu hậu kiểm. Quan trọng hơn, Bộ KH&ĐT phải xây dựng quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu. Ông Doanh thẳng thắn nói, mỗi lần kiểm tra, chúng ta đều phát hiện dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp trốn thuế, doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế, tồn tại nhiều vấn đề, trong khi đó, những người đứng đầu là Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, thậm chí là người kêu gọi đầu tư không ai chịu trách nhiệm mà cứ bình chân như vại. Rõ ràng là hệ thống văn bản quy phạm chưa đầy đủ, quy trình giám sát quản lý tiến độ có vấn đề. Phải nhanh chóng hoàn thiện và xây dựng khung pháp lý kiểm tra các doanh nghiệp FDI. Cơ quan quản lý phải chủ động và tỏ thái độ kiên quyết đối với các dự án FDI "chậm” , "không hiệu quả” mà không sợ mất lòng các nhà đầu tư.

Thời gian qua, Bộ KH&ĐT cũng đã sử dụng nhiều biện pháp để siết lại kỷ cương kinh doanh tại khu vực doanh nghiệp này. Cụ thể, định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011- 2020 phải tiến hành rà soát và gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5-2012. Chỉ đạo các tỉnh, thành phố, kiểm tra, và cho phép rút, thu hồi giấy phép đầu tư của một số dự án "chậm triển khai”.

Thúy Hằng

Theo Đại Đoàn Kết

Bình luận (0)