Hội thảo lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 26/9, tại Hà Nội.
Tại hội thảo nhiều ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng trong quy định cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, nên xem xét việc loại bỏ hoặc cắt giảm mức giá trị tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu, bởi đây chính là gánh nặng và thiệt thòi về tài chính cho doanh nghiệp.
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)
Chương IX của dự thảo Nghị định quy định về quản lý chất thải và phế liệu, yêu cầu ký quỹ đảm bảo phế liệu nhập khẩu. Khoản ký quỹ được quy định là 80% tổng giá trị hàng phế liệu nhập khẩu. Mục đích nhằm đảm bảo tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm khắc phục các rủi ro môi trường do việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Khoản chi phí này sẽ được hoàn trả cho tổ chức cá nhân và doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục thông quan đối với phế liệu nhập khẩu; phế liệu nhập khẩu không được thông quan không đáp ứng các yêu cầu được quy định tại khoản 1 điều 76 Luật Bảo vệ môi trường 2014.
Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, Ban soạn thảo dự thảo đã cân nhắc giảm mức giá trị tiền ký quỹ về 50% thay vì 80% như trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng, mức ký quỹ 50% vẫn là con số cao, và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng, trong năm 2013, các doanh nghiệp ngành thép sản xuất được 5,5 triệu tấn thép thô, và trong năm 2014 dự kiến là 6 triệu tấn; trong đó hơn 90% được luyện bằng lò hồ quang luyện thép phế liệu.
Khi nguồn cung thép phế trong nước chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn, Việt Nam phải nhập khẩu 3,5-4 triệu tấn thép phế, tương đương khoảng 1 tỷ USD. Hơn nữa, việc nhập khẩu thép được chia làm nhiều thời điểm trong năm. Với quy định doanh nghiệp phải ký quỹ bảo vệ môi trường, doanh nghiệp sẽ luôn phải có một khoản tiền để thực hiện ký quỹ bên cạnh các chi phí hàng hóa khác.
Với mức ký quỹ 50%, số tiền mà các doanh nghiệp ký quỹ cũng sẽ tương đương 500 triệu USD. Các doanh nghiệp thép trong nước phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, khả năng cạnh tranh thấp, nên nếu gánh thêm khoản phí này sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do. Do đó, ban soạn thảo có thể xem xét giảm mức ký quỹ xuống còn khoảng 5%.
Theo ông Trần Miên, Nguyên trưởng ban Môi trường Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam, khoản tiền ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường là một gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Các doanh nghiệp phải lo 2 lần khoản tiền để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường: một lần để ký quỹ, một lần để thực hiện đề án cải tạo, trong khi đó tiền hoàn trả với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tín dụng, tiền ký quỹ không được quay vòng để phục vụ sản xuất.
Do vậy cần có các quy định hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ một cách tự nguyện, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; loại bỏ hoặc giảm mức ký quỹ xuống để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng tập trung thảo luận và góp ý về các vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường đất; hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; xác nhận hệ thống quản lý môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; những ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; hoạt động khoáng sản: cải tạo phục hồi môi trường và ký quỹ./.
Đức Dũng
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)