Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp gặp khó vì chưa hiểu thị trường Myanmar

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách khai thác thị trường Myanmar, đặc biệt sau khi nước này có những động thái mở cửa kinh tế. Tuy nhiên, đã có doanh nghiệp bị thiệt vì chưa hiểu rõ thị trường này.

Phát biểu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Myanmar do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) và Sở Công Thương TPHCM tổ chức chiều 14-5, ông Đàm Trung Bắc, Tổng lãnh sự danh dự Cộng hòa liên bang Myanmar tại TPHCM, cho biết dù Chính phủ Myanmar đang tiến hành các cải cách, nhưng đến thời điểm này vẫn có những khó khăn của thị trường này chưa được xóa bỏ.

Chẳng hạn như, theo ông Bắc, có doanh nghiệp nhập khẩu nước giải khát từ Myanmar, với giá FOB là 78 kyat/lít nhưng phía Myanmar lại yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chịu giấy phép xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp Myanmar chỉ vận chuyển hàng hóa ra trước kho của họ, nên doanh nghiệp Việt Nam phải chịu toàn bộ chi phí vận chuyển khác, như bốc dỡ,…

Hội chợ xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Myanmar. Ảnh: TL.

Ông Bắc cho rằng, doanh nghiệp sẽ thua nếu chưa có kinh nghiệm với chuyện này, do đó phải hỏi rõ đối tác cụ thể về giá FOB “phát sinh”.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch công ty Viettranimex Group, vì ngân hàng Myanmar vẫn bị Mỹ cấm vận, nên việc gửi tiền trực tiếp vào ngân hàng Myanmar dễ gặp rủi ro. Ông Thanh cho biết, vừa rồi có một doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị treo 300.000 đô la Mỹ vì không biết việc này.

Do đó, việc thanh toán qua ngân hàng Singapore, theo ông Thanh, là chắc ăn hơn. Ông Thanh đang thực hiện nhiều dự án về nông nghiệp, thủy sản,… tại Myanmar, và đã kinh doanh với thị trường này hơn 10 năm.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có sản phẩm xuất hiện tại Myanmar cách đây hơn chục năm. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vẫn chỉ làm ăn theo hình thức mua đứt bán đoạn, phụ thuộc vào một đầu mối doanh nghiệp Myanmar hoặc qua trung gian chứ chưa thâm nhập sâu vào thị trường này.

Một đại diện của một hãng mỹ phẩm có tiếng của Việt Nam cho biết đã làm ăn với thị trường Myanmar được 10 năm, chủ yếu bán cho một doanh nghiệp Myanmar phân phối lại cho thị trường này. Tuy nhiên, việc buôn bán này cũng chỉ theo hình thức mua đứt bán đoạn.

Do đó, khi thấy doanh nghiệp Myanmar phân phối lại với giá gấp bốn lần giá mua với lý do chịu nhiều chi phí, thì phía công ty mỹ phẩm lo ngại việc này sẽ khiến hàng hóa của công ty bị giảm tính cạnh tranh tại thị trường Myanmar. Tuy nhiên, công ty mỹ phẩm của Việt Nam chịu cảnh “đối tác nói sao thì nghe vậy” vì không biết rõ chi phí thực tế mà doanh nghiệp Myanmar chịu là bao nhiêu.

Theo ông Thanh từ Viettranimex, để nhập khẩu, doanh nghiệp Myanmar phải chịu một số khoản chi, gồm chi chí mua ngoại tệ (tỷ giá chính thức của đô la Mỹ/đồng kyat Myanmar chênh lệch khá lớn với tỷ giá chợ đen), chạy quota (Myanmar quy định doanh nghiệp xuất bao nhiêu thì được nhập bấy nhiêu), phí bôi trơn,… Do đó, việc hàng hóa bị đội giá là có thật.

Đối với việc nhập khẩu hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam mua gỗ của Myanmar, nhưng chủ yếu qua các trung gian của Indonesia, Malaysia,… Do đó, theo một số người có kinh nghiệm làm ăn với thị trường Myanmar, doanh nghiệp Việt Nam nên có văn phòng đại diện và liên kết với doanh nghiệp Myanmar để dễ dàng hơn trong các khâu thủ tục, xin giấy phép,…

Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tự đi đến Myanmar hoặc tham gia các đoàn doanh nghiệp để tìm hiểu thị trường này. Trong tháng 3 năm nay, một số doanh nghiệp TPHCM đã tham gia đoàn doanh nghiệp đến thành phố Yangon và ký kết các hợp đồng thương mại và đầu tư. Trong đó, Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn đã ký kết với đối tác để làm cách thâm nhập sâu hơn thị trường này qua việc xây dựng hình ảnh và hệ thống phân phối. Trong chuyến đi đó, C.T.Group cũng ký kết đầu tư tại Myanmar, và hiện đã chọn được đất và đang làm thủ tục để động thổ dự án bất động sản tại Myanmar.

Dự kiến, cuối tháng 5-2012 lãnh đạo thành phố Yangon sẽ đến thăm Việt Nam. Tháng 6 này, ITPC cũng tổ chức hội chợ triển lãm thương mại – dịch vụ tại Myanmar từ ngày 15 đến 19-6, khảo sát thị trường và giao lưu thương mại tại Yangon và Mandalay từ ngày 14 đến 19-6.

TBKTSG Online

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)