Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Doanh nghiệp gượng dậy, công nhân bớt lo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều DN gượng dậy, công nhân bớt lo thất nghiệp.

Trong khi sự phục hồi của DN điện tử khá mờ nhạt thì ngành may mặc giày da ở Đồng Nai, BRVT lại đang gượng dậy khá tích cực. Những ngành  này  lại cần lượng lao động lớn nên công nhân vợi phần nào nỗi "ám ảnh" mất việc…

Đồng Nai: Nhiều tín hiệu khả quan
Đầu năm, hàng loạt DN đăng ký cắt giảm  hơn 15.000 LĐ đến tháng 6.2009. Giữa tháng 1.2009, chủ Cty Douballo (Hàn Quốc, chuyên gia công giày thể thao đóng tại KCN Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai) bỏ về nước, nợ lương gần 300 triệu đồng của hàng trăm CN. Đến cuối tháng 3.2009, lại một cú "sốc" khi "đại gia" Sanyo Di Solutions (100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất máy ảnh kỹ thuật số, đóng tại KCN Biên Hoà 2, Đồng Nai) đã cắt giảm hơn 1.200 LĐ, còn công bố sẽ tiếp tục cắt giảm 50% lượng CN còn lại.
Tuy nhiên, "bức tranh" ảm đạm đó đã có dấu hiệu chuyển biến. Ông Huỳnh Tấn Kiệt (Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai) cho hay: "Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ngành may mặc, giày da có dấu hiệu phục hồi rõ nét nên giải quyết được lượng LĐ thất nghiệp và LĐ mới không ít. DN ngành điện tử cũng có dấu hiệu nhưng chậm hơn!".
Theo LĐLĐ Đồng Nai, dấu hiệu gượng dậy của ngành điện tử thể hiện qua việc duy nhất Cty TNHH Nec Tokin Elec Electronics VN (KCN Loteco) nhận được hợp đồng mới, nên thu nhận luôn hơn 1.000 CN mà Sanyo Di Solutions cắt giảm.
Trong khi đó, ngành may mặc giày da lại gượng khá rõ nét với nhiều Cty săn lùng LĐ. Điển hình là Cty Pouchen Vina (gia công giày thể thao xuất khẩu) không cắt giảm mà còn nhận đến 80% CN mất việc của Cty giày Lạc Cường. Cty HwaSeung Vina (sản xuất da và các sản phẩm liên quan) nhận hơn 200 LĐ thất nghiệp từ Cty Douballo mà vẫn treo biển tuyển dụng thêm cả ngàn CN.
Theo Sở LĐTBXH Đồng Nai, đến hết tháng 4.2009, trong tổng số gần 5.000 LĐ tìm được việc làm tại các DN thì gần 4.000 LĐ được tuyển vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Với hơn 11.000 LĐ bị mất việc trong dự kiến 15.000 theo đăng ký của DN đến tháng 6.2009, nhờ sự gượng dậy của nhiều "đại gia", chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài nêu trên, nên đã giải quyết việc làm cho 8.000 CN.
Trong tháng 5 này, các DN còn cần tới hơn 4.000 LĐ, trong đó gần 50% là LĐPT. "Đầu quý II/2009, một số DN đã dần ký được đơn hàng mới, nên bắt đầu chấm dứt chế độ nghỉ luân phiên chờ việc hoặc tuyển dụng thêm LĐ" – ông Lâm Duy Tín (Phó GĐ Sở LĐTBXH Đồng Nai) nhận định. Bởi vậy trong quý II này, Đồng Nai "ung dung" lên kế hoạch sẽ giải quyết việc làm cho thêm 26.000 LĐ nữa.
Bà Rịa – Vũng Tàu: "Khát" LĐ dệt may
Cũng giống như Đồng Nai, nhiều DN dệt may ở BRVT cũng có dấu hiệu hồi phục khi nỗ lực săn tìm LĐ đáp ứng các đơn hàng mối. Điển hình Cty TNHH May Tân Mỹ đã liên tiếp nhận được đơn đặt hàng đến tận tháng 7.2009. Với 330 LĐ hiện tại, không đủ người đáp ứng tiến độ, Cty phải treo biển tuyển gấp hơn 300 CN nữa.
Tương tự, Nhà máy may Thạnh Mỹ bởi thiếu gần 600 CN nên lô máy may gần 600 chiếc mới nhập về vẫn… chờ người, hơn 10.000m2 nhà xưởng còn bỏ trống.
Hiện 2 đơn vị "khát" LĐ này đang có kế hoạch xây nhà ở cho CN để thu hút nguồn nhân lực.

Nhiều DN vẫn lao đao
Trong khi các ngành nghề khác có dấu hiệu khởi sắc thì theo Sở Công Thương tỉnh BRVT, 4 tháng đầu năm nay hầu hết các DN chế biến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, sản lượng hợp đồng giảm 30% đến hơn 50%, thiếu hụt nguyên liệu chế biến. Không ít DN hoặc cắt giảm hoặc cố giữ chân CN. Cụ thể, Cty TNHH Tiến Đạt đã phải cắt giảm 150 LĐ. Cty CP thủy sản Phước Cơ đã nhận gia công cho một số đơn vị khác để duy trì thu nhập cho NLĐ.  

 
Ngô Sơn (laodong)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)