Từ ngày 1-1-2018, người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc có ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Chỉ còn 44 ngày nữa, quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực thi hành. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2018, người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc có ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trừ hợp đồng lao động được ký kết đối với người lao động đang thử việc hoặc hợp đồng thời vụ được ký kết với người lao động đã nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH hiện hành.
Từ ngày 1-1-2018, doanh nghiệp hết lách luật với hợp đồng lao động thời vụ. Ảnh: MỸ HẠNH
Hiện nay, theo quy định của pháp luật lao động, người lao động ký kết hợp đồng lao động thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng lần đầu không bắt buộc phải tham gia BHXH, BHYT (chỉ tham gia BHTN theo quy định của Luật Việc làm năm 2013).
Khi ký kết hợp đồng lao động thời vụ đối với người lao động, doanh nghiệp thường khoán trọn một cục (tiền lương) trong đó đã bao gồm các khoản về chế độ BHXH, BHYT và bản thân người lao động phải tự lo liệu.
Quy định này đã khiến nhiều người lao động làm việc trong doanh nghiệp không được tham gia và hưởng đầy đủ các chế độ về BHXH kịp thời, vô hình trung tạo ra những kẽ hở khiến nhiều công ty, doanh nghiệp lách luật bằng việc liên tục ký kết hợp đồng lao động thời vụ đối với người lao động và không tham gia BHXH. Điều đó cũng đồng nghĩa là các chế độ về BHXH của người lao động trong thực tế đã bị vi phạm nghiêm trọng.
Việc quy định đối tượng ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH vào đầu năm tới theo quy định của Luật BHXH đã kịp thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động làm việc trong doanh nghiệp, tiến tới chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách, kẽ hở của pháp luật để lách luật, vi phạm chế độ về BHXH nói chung và Bộ luật Lao động nói riêng đối với người lao động. Bản thân người lao động sẽ tham gia BHXH bắt buộc ngay từ đầu, quyền được thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH sẽ được đảm bảo và kịp thời hơn.
Trong trường hợp nếu phát hiện doanh nghiệp liên tục vi phạm, ký kết hợp đồng lao động nhưng không lập danh sách người lao động tham gia BHXH bắt buộc, ngoài việc sẽ bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính do hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động, khoảng thời gian doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động khi ký kết hợp đồng lao động sẽ bị cơ quan BHXH truy đóng và bị tính lãi suất chậm đóng theo quy định hiện hành.
Đối với doanh nghiệp, một khi có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc và ký kết hợp đồng lao động, nghĩa vụ bắt buộc phải tham gia BHXH cho người lao động còn là trách nhiệm không thể trốn tránh. Quy định này cũng là điều kiện để doanh nghiệp cân nhắc khi tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động đối với người lao động.
Thêm nữa, khi người lao động xảy ra tai nạn, bệnh tật, ốm đau… thì đã có chế độ BHXH, doanh nghiệp sẽ đỡ một phần gánh nặng về chi phí
NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN/SGGP
Bình luận (0)