"Vấn đề tạm trữ lúa gạo thì Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ “xị” nhưng mà quy chế mới (để nông dân tạm trữ) mấy ổng (ý nói lãnh đạo bộ này) vẫn chưa triển khai, thành ra trước mắt có lẽ vẫn làm theo kiểu cũ, tức giao cho doanh nghiệp tạm trữ”.
Đó là thông tin được ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) – một doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tiết lộ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 8-1.
Theo ông Tuấn, tình hình tiêu thụ lúa đông xuân 2012-2013 tới đây gặp rất nhiều khó khăn do hợp đồng chuyển từ năm 2012 sang 2013 rất ít, chỉ khoảng 700.000 tấn, trong đó, chỉ khoảng 60 -70% số này có khả năng giao được. Tuy nhiên, sản lượng quy ra gạo trong vụ đông xuân tới ước đạt khoảng 4 triệu tấn (chưa tính lượng tồn kho năm 2012 chuyển sang), một con số rất lớn.
Nông dân có được hưởng lợi từ chính sách tạm trữ của doanh nghiệp thuộc VFA lần này hay không? – Ảnh: Trung Chánh
Theo VFA, trong quí 1 năm 2013 sẽ xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn gạo, tuy nhiên, để đạt được con số này ngoài việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo giữ được những thị trường truyền thống, thì phải mở rộng tìm kiếm những khách hàng mới.
“Với tình hình hiện nay, mới ngày hôm qua họp (ý nói tại hội nghị: “Tổng kết xuất khẩu gạo năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013” được tổ chức tại TPHCM hôm 7-1) các ban ngành cũng đề nghị nâng mức tạm trữ lên 1,5 triệu tấn quy gạo, thay vì 1 triệu tấn như trước đây”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề nhận được sự quan tâm của không ít nhà chuyên môn, nông dân đó là doanh nghiệp tạm trữ có giữ được giá lúa gạo nội địa không xuông thấp hay cũng giảm mạnh như những lần trước đó?
Trước đó, tại buổi họp lấy ý kiến dự thảo “Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân” được tổ chức tại Kiên Giang ngày 7-8-2012, ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho rằng: “Phương thức mua tạm trữ do VFA điều hành để các doanh nghiệp hội viên thực hiện không kiểm soát được việc mua bán gạo của doanh nghiệp; doanh nghiệp hầu như không mua trực tiếp từ nông dân trồng lúa mà chủ yếu mua qua trung gian”.
“Chính vì vậy người nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ của Nhà nước. Bên cạnh đó, phần đông nông dân đều bán lúa trước thời điểm tạm trữ nên cho dù giá lúa có tăng lên trong và sau tạm trữ thì nông dân cũng không được hưởng lợi”, ông Đô khẳng định tại buổi họp trên.
Chính vì vậy, không ít người đang hoài nghi về lợi ích mà người nông dân được hưởng trong lần tạm trữ sắp triển khai tới đây.
(TBKTSG Online)
Bình luận (0)