Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Doanh nghiệp khuyến khích công nhân nghỉ việc

Tạp Chí Giáo Dục

Bữa cơm công nhân ngày càng eo hẹp.

10h sáng, các xóm trọ công nhân (CN) tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội vẫn đông đúc, CN không có việc làm cặm cụi nấu ăn, giặt quần áo.

Cuối năm, nhiều người mất việc, giảm ca do các doanh nghiệp (DN) cắt giảm lao động (LĐ), tiền công, tiền thưởng, để giảm thiệt hại khi khó khăn về kinh tế.

Những "chiêu" cắt giảm lao động

Tại KCN Thăng Long, Hà Nội, nhiều DN nước ngoài (chủ yếu là Nhật Bản) đã tìm mọi cách để cắt giảm LĐ. Canon – một "đại gia" tại KCN Thăng Long – có hơn 13.000 NLĐ. Năm nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, Canon cũng phải cắt giảm CN để cân đối thu, chi. Chị Nguyễn Thị Đường (Tam Dương, Vĩnh Phúc) – NV của Canon cho biết: "Canon tuyển nhiều nhất nhưng cũng thải nhiều nhất. Cuối năm nay là thời điểm Canon cắt giảm LĐ nhiều hơn mọi năm".

Để sớm giảm bớt số LĐ, Canon đã tung ra "chiêu" khuyến khích NLĐ làm đơn xin thôi việc với chỉ tiêu 800 người. Những người làm đơn xin thôi việc trước khi hợp đồng LĐ hết thời hạn sẽ được nhận một tháng lương cơ bản cộng với 3 triệu đồng phí trợ cấp thất nghiệp. Cộng hai khoản này là gần 5 triệu đồng. Tính ra, với 800 chỉ tiêu "trợ cấp thôi việc", Canon sẽ mất gần 4 tỉ đồng đề thanh toán hợp đồng LĐ trước thời hạn. Thời điểm này, các xóm trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh vắng bóng công nhân của Canon vì Cty này cho CN nghỉ Noel và Tết dương lịch đến 8 ngày.

Những DN khác tại KCN Thăng Long khi không có nhiều việc cũng chủ động cho NLĐ nghỉ việc, hưởng 70% lương. Chị Trần Thị Thắm – một CN làm việc hơn một năm ở KCN Thăng Long cho biết: "Thường thì sau khi cho nghỉ Tết dài hay bất ngờ được nghỉ cũng là dấu hiệu DN sa thải CN bởi họ cứ hứa là khi nào có việc sẽ gọi lại làm việc, nhưng nhiều người chờ mãi chẳng thấy gì".

Giảm ca, giảm giờ làm

Cty Chiyoda Integre (Nhật Bản), sản xuất, lắp ráp, gia công, đột dập, in trên các linh kiện, chi tiết phục vụ ngành công nghiệp điện, điện tử, ôtô, xe máy cũng đang ở vào tình trạng ít việc vào cuối năm nay. Mọi ngày, Cty có ba ca làm việc, nhưng thời điểm cuối năm dồn vào hai ca, không còn việc tăng ca như mọi khi.

Chị Nguyễn Thu Hương (Mê Linh, Vĩnh Phúc) cho biết: "Những người mới được tuyển vào thường có hai tháng thử việc trước khi ký hợp đồng chính thức. Vì vậy, những lớp mới được tuyển gần đây hầu như không được ký hợp đồng. Họ tuyển vào chỉ để làm thời vụ cho hết những hợp đồng đã ký". Nhiều Cty cắt giảm hơn một nửa nhân công trong dây chuyền sản xuất. Trần Thị Thu – NV Cty Nissei cho biết: "Bộ phận tôi làm trước đây có hơn 400 người, nhưng giờ chỉ còn 200. Mất việc, nhiều người phải bỏ về quê làm ruộng, hoặc đi làm việc thời vụ để có tiền sắm Tết".

Tâm lý không ổn định, luôn sợ bị mất việc nên NLĐ không muốn gắn bó lâu dài với DN. Nhiều người có ý định ra Tết sẽ ở nhà tìm việc khác để làm, không trở lại Cty. Lương CN hơn 1 triệu/tháng chỉ đủ để trả tiền nhà và chi tiêu cho sinh hoạt cá nhân, về quê là một "chính sách tiết kiệm" của NLĐ.

Giáp Tết, DN tìm mọi cách để giảm chi phí, CN là những người chịu thiệt nhiều nhất vì gánh thêm nỗi lo mất việc. Không còn trông chờ vào tiền thưởng, tiền tăng ca… NLĐ chỉ còn cách "thắt lưng buộc bụng".

S.Lâm – T.Cúc (laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)