Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp kích cầu bằng cơn lốc giảm giá

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2012, các doanh nghiệp ở Bạc Liêu phải đối đầu với nhiều áp lực từ việc tăng giá đầu vào và phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đặc biệt là cuộc khủng hoảng suy giảm kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến thị trường xuất khẩu, làm cho hàng hóa sản xuất khó tiêu thụ, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng và không dám mở rộng đầu tư.

Do vậy, bài toán khai thác thị trường nội địa nhằm duy trì, phát triển sản xuất và khơi dậy sức mua từ thị trường tiềm năng này đã trở thành giải pháp hàng đầu của các doanh nghiệp tại Bạc Liêu. Trong đó, việc tăng cường khuyến mãi, giảm giá là chiêu thức mà các doanh nghiệp nhắm vào thị hiếu của người tiêu dùng.

 

Khách mua hàng tại siêu thị Fivimart mới khai trương tại 281 Đội Cấn (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Tiệp – TTXVN.

 

Điển hình là các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như siêu thị Vinatex, siêu thị Co.opMart đã giảm giá nhiều mặt hàng từ 20 – 40%, thậm chí có mặt hàng giảm đến 50%. Phần lớn hàng giảm giá là các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân như: thực phẩm tươi sống, hàng công nghệ thực phẩm, hàng tiêu dùng… “Cơn lốc” giảm giá này cũng tác động mạnh đến các chợ, làm cho nhiều tiểu thương phải điều chỉnh lại giá hàng hóa để thu hút các bà nội trợ. Điều đó đã góp phần tích cực vào việc bình ổn giá và có lợi cho người tiêu dùng. Bạc Liêu còn phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức 2 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn ở huyện Phước Long và Đông Hải, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng mua hàng với doanh số hàng tỷ đồng/phiên chợ.

Phản ánh vấn đề này để thấy rằng, thị trường nội địa thật sự là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp, nhất là các mặt hàng sản xuất trong nước. Đây cũng là lý do để doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến thị trường này (vốn bị bỏ ngỏ trong nhiều năm). Từ đó, tuyên tuyền, vận động người dân ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Đơn cử như siêu thị Vinatex vừa tổ chức hội thi vẽ lôgô của Vinatex nhằm quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh khẩu hiệu hành động của cả hệ thống Vinatex là “đồng hành cùng hàng Việt”. Cách làm này không chỉ góp phần tạo nên sức cạnh tranh cho hàng Việt, mà còn vận động mọi người lựa chọn và ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Theo các doanh nghiệp, với việc kinh doanh, sản xuất gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” càng chứng minh tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của cuộc vận động. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mà còn là dịp để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhìn lại chính mình trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã hàng hóa và nhanh chóng có các giải pháp để khai thác, chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Tính đến tháng 6/2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nội địa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu ước đạt hơn 10.320 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Điều đó đã góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh và càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của thị trường nội địa trong điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

 

Cao Thăng-Kim Trung

Theo Tin Tức

Bình luận (0)